Theo South China Morning Post, tháng trước, một nhân viên giao hàng (shipper) 48 tuổi tại Hàn Quốc qua đời tại bệnh viện vì lao động quá sức dẫn đến những cơn đau ngực liên miên. Kim Sung-jin, một cựu nhân viên giao hàng, cho biết anh không quá bất ngờ trước thông tin trên.
Lượng đơn hàng giao trong ngày mà các tập đoàn vận tải hứa hẹn với khách vượt xa khả năng nhân viên có thể xử lý. Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cho biết người đàn ông quá cố phải làm việc từ 9-10 tiếng/ngày và giao trung bình 400 gói hàng mỗi ca trong suốt 20 năm làm việc tại CJ Logistics Corporation, một trong những công ty giao hàng lớn nhất Hàn Quốc.
Cái chết của nhân viên này, cùng với 13 người khác trước đó, dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khối lượng công việc quá tải của nhân viên giao hàng trong thời đại Covid-19 và thương mại điện tử bùng nổ.
"Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin này. Môi trường làm việc độc hại và vô đạo đức đến mức có khi tôi phải trốn sang một bên và khóc", anh Kim Sung-jin chia sẻ. Anh Kim đã dừng công việc giao hàng cách đây hai tháng vì không thể chịu đựng sự bóc lột và vất vả trong ngành.
Một nhân viên giao hàng 71 tuổi giao hàng tận tay cho khách ở các căn hộ cao tầng. Ảnh: AFP. |
14 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần
Theo Statista, Hàn Quốc là quốc gia ứng dụng kỹ thuật số rộng rãi với hơn 97% dân số trong độ tuổi 20 sử dụng Internet và các dịch vụ mua sắm trực tuyến trong năm ngoái. Với xu hướng hạn chế ra ngoài mua sắm trong giai đoạn đại dịch, nhiều ứng dụng và công ty bán lẻ trực tuyến như Coupang nhận thấy một nhu cầu chưa từng có.
Tuy nhiên, nhu cầu này càng tạo thêm gánh nặng cho nhân viên giao hàng tại Hàn Quốc. Anh Kim cho biết anh phải làm việc từ 7h đến 21h mỗi ngày. “Những ngày có nhiều đơn hàng cần phân loại để giao, tôi có thể phải làm việc đến 2h sáng hôm sau”, anh kể.
Người đàn ông 38 tuổi, có vợ và người con 9 tháng tuổi, chia sẻ rất khó để từ bỏ một công việc mang lại cho gia đình khoản thu nhập 2 triệu won (1.800 USD)/tháng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thất nghiệp tràn lan. Tuy vậy, áp lực của công việc này quá lớn và anh không thể tiếp tục chịu đựng.
Kim cho biết mức lương không hề xứng đáng với áp lực công việc mà nhân viên giao hàng phải gồng gánh. Trung bình mỗi đơn hàng, anh kiếm được khoảng 0,7 USD sau khi chia hoa hồng cho các bên trung gian quản lý. “Rất nhiều người bỏ việc vì cơ thể kiệt quệ hoặc nghĩ mức lương không xứng đáng", anh nói.
“Tôi phải giao 200 gói hàng/ngày, 6 ngày/tuần để kiếm được khoản thu nhập đó”, Kim cho biết. Anh nói: “Ngay cả những nhân viên làm việc lâu năm mà tôi từng tiếp xúc cũng liên tục chửi bới. Chúng tôi không còn nào khác để giải tỏa sự căng thẳng và tra tấn mà chúng tôi đang phải chịu”.
Xe tải vận chuyển của nhà bán lẻ thương mại điện tử Coupang tại một trung tâm phân phối ở Seoul. Ảnh: Reuters. |
Tại quốc gia 51 triệu dân, ngành thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Dữ liệu từ Statista dự báo khối lượng bán lẻ trực tuyến của Hàn Quốc sẽ tăng từ 41,9 tỷ USD năm 2017 lên 90,5 tỷ USD vào năm 2024. Hàn Quốc cũng là quốc gia có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao thứ hai thế giới (54%), chỉ đứng sau Trung Quốc (61%).
Coupang, được thành lập vào năm 2010, là một công ty thương mại điện tử giúp “cách mạng hóa” hành vi mua sắm của người dân Hàn Quốc. Công ty cung cấp các sản phẩm từ thực phẩm tươi sống đến quần áo đến tận tay khách hàng trong vòng vài ngày hoặc thậm chí vài giờ, tùy theo yêu cầu của khách.
Ngày nay, Coupang là đơn vị bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, với doanh thu hàng năm khoảng 6 tỷ USD. Ông Kim Dong-min, chuyên gia lĩnh vực logistics, nói: “Coupang thực sự cách mạng hóa cách khách hàng tiêu thụ các sản phẩm như sữa và rau quả, những thứ vốn phải tự mua ở chợ".
Cộng đồng lên án
Ông Kim Dong-min cho biết không giống như Trung Quốc, lĩnh vực giao hàng ở Hàn Quốc vấp phải khó khăn vì mạng lưới chưa chặt chẽ và các công ty thường sử dụng lao động bán thời gian. Ông giải thích: “Giao hàng là kỹ thuật cần thời gian ghi nhớ các tuyến đường. Các công ty hậu cần Hàn Quốc thuê rất nhiều nhân viên bán thời gian thiếu kinh nghiệm, khiến họ không đủ nhân lực để xử lý khối lượng công việc quá tải tại các kho hàng".
Ngoài lượng công việc quá tải, chi phí giao hàng quá thấp là nguyên do nhiều nhân viên giao hàng Hàn Quốc không trụ lâu với nghề. Dịch vụ "giao hàng tên lửa" của Coupang cực kỳ phổ biến vì khách hàng chỉ phải trả khoản phí 2.900 won/tháng để được đảm bảo giao hàng trong hôm sau hoặc thậm chí chỉ trong vài giờ.
Phí giao hàng trung bình tại Hàn Quốc cũng chỉ khoảng 2.500-3.000 won (2,2-2,65 USD). “Nếu phí giao hàng đắt hơn, mọi người sẽ ngừng gửi những thứ thông thường", Cho Changun, một khách hàng, nhận xét về thực trạng chi phí vận tải thấp tại Hàn Quốc.
Tình trạng kiệt quệ sức khỏe của các shipper đã dấy lên làn sóng kêu gọi bảo vệ quyền lao động tốt hơn cho nhân viên giao hàng. Công chúng Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối tình trạng bóc lột sức lao động tại các tập đoàn giao nhận như CJ Logistics Corporation, Lotte và Hanjin. Những tập đoàn này cùng nhau kiểm soát hơn 90% lĩnh vực chuyển phát trị giá 5,4 tỷ USD của Hàn Quốc.
Một số tổ chức cộng đồng và công đoàn vào cuộc, kêu gọi nhân viên giao hàng đình công để yêu cầu điều kiện lao động tốt hơn. Hồi tháng 10, khoảng 250 nhân viên giao hàng tại Lotte Global Logistics đình công. Họ trở lại làm việc sau 4 ngày khi Lotte đồng ý tăng lương hoa hồng và cắt giảm phí vận chuyển mà người lao động phải trả. Tuần trước, Hanjin thông báo sẽ ngừng dịch vụ giao hàng vào đêm khuya.
CEO CJ Logistics Corporation Park Keun-hee xin lỗi về sự cố gần đây của các số nhân viên giao hàng trong cuộc họp báo ngày 22/10. Ảnh: Reuters. |
Tập đoàn CJ Logistics, nơi shipper 48 tuổi qua đời vì làm việc kiệt sức, thông báo sẽ tăng thêm số lượng công nhân phân loại và đóng gói hàng hóa lên 4.000 người, đồng thời cam kết sẽ chi trả 100% bảo hiểm sức khỏe và an toàn cho các shipper. CEO Park Keun-hee xin lỗi về cái chết của nhân viên trong một cuộc họp báo gần đây.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Hàn Quốc đã bắt đầu kiểm tra về an toàn và sức khỏe nhân viên tại bốn công ty logistics lớn nhất Hàn Quốc. Kim Sae-gyu, phát ngôn viên của Liên đoàn Lao động Đoàn kết Giao hàng Quốc gia, cho biết: “Những thay đổi do Hanjin và các công ty khác khởi xướng không cải thiện các vấn đề mà nhân viên giao hàng đang đối mặt".
Liên đoàn cho rằng những nỗ lực của các tập đoàn giao nhận cần mạnh mẽ hơn nữa để đại tu ngành giao nhận Hàn Quốc. “Sự cố do lao động quá sức sẽ còn tiếp tục tồn tại nếu các công ty không sẵn sàng khắc phục những vấn đề cốt lõi. Chúng bao gồm giờ làm việc, hoa hồng thấp và làm thêm ngoài giờ không công bằng”, đại diện Liên đoàn nhấn mạnh.