Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vận hành toàn bộ dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam 5 tỷ USD từ 2023

Dự án đặt tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư khoảng 5,16 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử của Tập đoàn SCG (Thái Lan).

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt với ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan) và bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành Amata Việt Nam.

Tại đây, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SCG tập trung thúc đẩy tiến độ để dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam vận hành thương mại đúng kế hoạch, đồng thời đưa những công nghệ tiên tiến nhất, công nghệ xanh, công nghệ sạch vào dự án này.

Trả lời Thủ tướng, lãnh đạo 2 doanh nghiệp cho biết sẽ khởi động từng hạng mục của tổ hợp trong năm 2022, hướng đến vận hành toàn bộ tổ hợp vào đầu năm 2023.

Van hanh toan bo du an to hop hoa dau mien Nam tu 2023 anh 1

Thủ tướng tiếp lãnh đạo Tập đoàn SCG và Amata. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh đó, Tập đoàn SCG cũng đang phát triển 2 dự án mới, gồm nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án (LSP2) với công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, tuần hoàn.

"LSP2 sẽ được triển khai trong cùng khu vực với dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam hiện tại, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng nhà máy. Hồ sơ xin cấp phép chính thức sẽ được trình tại thời điểm phù hợp tiếp theo", ông Roongrote Rangsiyopash nói thêm.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong lịch sử SCG, lên đến khoảng 5,16 tỷ USD. Khởi công xây dựng năm 2018, đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại miền Nam Việt Nam, được đặt tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổ hợp bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp với quy mô thế giới, các nhà máy hạ nguồn polyolefins (HDPE, PP và LLDPE), cụm phụ trợ trung tâm, hệ thống cảng và cầu cảng, và các hạng mục liên quan khác. Công suất sản xuất hàng năm dự kiến là 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin.

Dự án được Thủ tướng kỳ vọng mang đến cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu, đặt nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn (chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh) và các ngành công nghiệp liên quan.

Sau dự án này, Thủ tướng đề nghị SCG và Amata sớm triển khai kế hoạch hợp tác đầu tư tại khu công nghiệp dầu khí Long Sơn và Trung tâm điện lực Long Sơn. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị SCG tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực và sản phẩm tại Việt Nam.

Với Amata, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp xem xét khả năng thu xếp nguồn lực để mở rộng đầu tư các khu công nghiệp định hướng công nghệ cao tại Việt Nam, đồng thời là cầu nối đưa các tập đoàn lớn của Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung đến đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Đại gia Thái Lan thu hơn 8.000 tỷ đồng tại Việt Nam

Doanh thu của Tập đoàn SCG quý I đạt 93.897 tỷ đồng (4,034 tỷ USD), tăng 26% so với quý trước. Tính riêng tại thị trường Việt Nam là 8.206 tỷ đồng.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm