Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vận hành 21 sân bay, ACV lãi kỷ lục, đang gửi ngân hàng 31.000 tỷ

Báo cáo tài chính quý IV/2019 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận mức lợi nhuận ròng 2.435 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Trong quý cuối cùng của năm 2019, ACV ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 4.793 tỷ đồng, tăng 15% so với quý IV/2018. Theo ACV, doanh thu thuần tăng chủ yếu do sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên.

Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên 921 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. ACV cho biết doanh thu tài chính tăng nhờ khoản lãi tiền gửi ngân hàng tăng và phần lãi từ chênh lệch tỷ giá do đánh giá gốc ngoại tệ cuối kỳ.

Trong khi đó, các khoản mục chi phí của doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi phí tài chính của ACV trong quý IV giảm tới 93%, từ 343 tỷ xuống còn 26 tỷ đồng.

ACV cho hay chi phí tài chính giảm vì không phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá gốc ngoại tệ cuối kỳ. Còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm là do hiệu quả của hoạt động quản lý chi phí tại doanh nghiệp.

Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, ACV thông báo lợi nhuận ròng trong quý IV/2019 là 2.435 tỷ đồng. So với mức lãi 1.232 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của ACV trong kỳ kế toán vừ qua tăng trưởng đến 97,6%.

Tính cả năm 2019, ACV đạt doanh thu thuần 18.293 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018, lãi sau thuế 8.343 tỷ đồng, tăng 35%. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của ACV từ khi hoạt động.

ong chu san bay anh 1

Đồ họa: Việt Đức.

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của ACV cũng lên tới 46%, một con số rất cao so với mặt bằng các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của ACV là 59.311 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn mà cụ thể là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 12 tháng lên tới 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ so với cuối năm 2018.

Lượng tiền gửi ngân hàng này đã cao hơn con số 25.000 tỷ đồng ACV từng tuyên bố dành ra để thi công giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Doanh nghiệp cũng dự kiến tích lũy đến 87.500 tỷ vào năm 2025 để đầu tư nhiều dự án cảng hàng không khác trong khi xây dựng sân bay Long Thành.

ACV đang là doanh nghiệp khai thác, vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chỉ có Vân Đồn là sân bay duy nhất trên cả nước do doanh nghiệp tư nhân xây dựng và khai thác.

Trong cơ cấu sở hữu hiện tại ở ACV, vốn ngân sách Nhà nước chiếm tới 95,4% trong khi các cổ đông khác chỉ chiếm 4,6% vốn doanh nghiệp này.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm