"Rất khó để tìm được nơi tôi có thể dùng nhà vệ sinh”, Brent Williams - một người giao hàng - cho biết khi đứng bên ngoài một thư viện trong khu Ballard ở thành phố Seattle. Nhà vệ sinh ở đây là nơi hiếm hoi đã được mở cửa trở lại cho công chúng.
Tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng
Thư viện là một trong số ít cơ sở trên toàn thành phố mở cửa trở lại. Các khu vực khác trong thành phố gần như không có lựa chọn nào cho những người cần "giải tỏa" hoặc rửa tay.
“Tôi hiểu tại sao một số người ở trung tâm thành phố buộc phải chui vào một con hẻm”, Williams cho biết. “Chẳng còn chỗ nào khác để đi vệ sinh và tôi sẽ không thể 'giải quyết' trong quần”.
Việc thiếu nhà vệ sinh đã trở thành một vấn đề không nhỏ đối với các nhân viên giao hàng, tài xế taxi, lái xe và những người khác kiếm sống bên ngoài một tòa nhà văn phòng cố định. Đối với những người vô gia cư của thành phố, đó là một phần của vấn đề đang diễn ra trong đại dịch.
Một cửa hàng dành cho thú cưng gần đó từng dành cho người vô gia cư sử dụng nhà vệ sinh, nhưng việc này không còn được duy trì trong đại dịch. Tình hình được cải thiện khi thành phố đặt một phòng vệ sinh di động và trạm rửa tay gần trung tâm. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác trong thành phố vẫn thiếu các tiện nghi tương tự.
Các quan chức Seattle cho biết thành phố đã thiết lập 32 nhà vệ sinh di động trong đại dịch, nâng tổng số lên 114 nhà vệ sinh toàn thành phố. 107 phòng vệ sinh khác có sẵn tại các công viên thành phố. Tại 5 phòng vệ sinh trong thư viện mở cửa trở lại, có gần 6.000 người đã tận dụng các tiện nghi này, theo hệ thống thư viện.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thành phố vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một dãy nhà vệ sinh di động ở Seattle. Trong đại dịch, nhiều tòa nhà công cộng và nhà hàng đã bị đóng cửa. Việc thiếu nhà vệ sinh là một vấn đề đối với nhân viên giao hàng, tài xế taxi và nhiều người khác. Ảnh: David Ryder. |
“Khi tất cả thư viện công cộng, tòa nhà văn phòng, cùng cửa hàng cà phê đóng cửa - hàng nghìn phòng vệ sinh cũng mất đi", ông Alison Eisinger, giám đốc điều hành một tổ chức về người vô gia cư ở Seattle, trả lời. “Chẳng có cách nào để bù đắp điều đó với các trạm rửa tay và một vài phòng vệ sinh”.
Rủi ro sức khỏe tiềm tàng
Nhóm của Eisinger đã yêu cầu Seattle mở cửa lại tất cả tòa nhà công cộng để sử dụng nhà vệ sinh trong suốt đại dịch. Sabrina Register, phát ngôn viên của Public Utility, đã không trả lời các câu hỏi được gửi qua email về việc mở lại các tòa nhà công cộng, hoặc liệu thành phố có cho rằng việc cung cấp các phòng vệ sinh của mình là đủ hay không.
Eisinger cho biết một số người vô gia cư trong thành phố đã phải dùng đến tã người lớn hoặc sử dụng những chiếc xô chứa đầy cát mèo.
Sự thiếu hụt nhà vệ sinh của thành phố là bằng chứng cho sự thất bại về sức khỏe cộng đồng.
“Đây là trách nhiệm của chính phủ, họ có nghĩa vụ đối với công chúng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân”, cô nói. “Đây là một thành phố giàu có trong khu vực giàu có và chúng ta thậm chí không thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân. Tốt hơn là nên đáp ứng những nhu cầu của mọi người thay vì chờ đến khi có một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”.
Các công ty tư nhân thường yêu cầu khách phải mua hàng trước khi có thể sử dụng nhà vệ sinh. Điều này gây ra một rào cản đối với những người vô gia cư hoặc những người yếu thế hơn trong xã hội.
Taunya Lovell Banks, giáo sư tại Đại học Luật Maryland, chia sẻ rằng các doanh nghiệp hiếm khi cho phép người vô gia cư sử dụng các cơ sở vật chất của họ và những người da màu cũng khó tiếp cận với những tiện nghi đó.
“Đây là vấn đề về tầng lớp, chủng tộc và giới tính", cô tuyên bố. “[Trong đại dịch], những người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu bất ngờ gặp phải vấn đề về tiếp cận với nhà vệ sinh, điều mà họ chưa từng gặp phải trước đây. Điều đó khiến họ bắt đầu nhận thức được vấn đề”.
Covid-19 đã khiến mọi thứ tồi tệ hơn nhiều.
Vấn đề nhà vệ sinh công cộng đang gia tăng ở thành phố New York, và các lãnh đạo ở Montpelier, Vt., lo sợ rằng việc đóng cửa khiến thành phố không có đủ nhà vệ sinh. Ở Chicago, những người giao hàng không thể sử dụng nhà vệ sinh tại các nhà hàng khi họ nhận thức ăn, khiến một số người phải đi vệ sinh trong các con hẻm.
Chính quyền và các doanh nghiệp đều có lý do để lo ngại về nguy cơ lây truyền Covid-19 trong phòng vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, đóng cửa các phòng vệ sinh cũng tạo nên rủi ro cho sức khoẻ cộng đồng. Ví dụ, nếu những người giao hàng không có chỗ đi vệ sinh và rửa tay, họ có nguy cơ lây nhiễm qua thực phẩm và những kiện hàng họ vận chuyển. Chất thải trên đường phố cũng có thể góp phần vào sự lây lan Covid-19 và cả các bệnh khác.