Các cơ quan tình báo Mỹ sẽ phải mất vài tháng nữa mới có thể đánh giá và xác định mức độ nghiêm trọng của sự cố khinh khí cầu Trung Quốc so với các vụ xâm nhập khác vào hệ thống an ninh quốc gia.
Theo New York Times, trong lịch sử, việc các siêu cường theo dõi lẫn nhau không phải là điều gì mới lạ. Nhưng việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên không phận Mỹ lần này có điểm khác biệt.
Toàn bộ vụ việc cho thấy Washington và Bắc Kinh đã ít liên lạc với nhau như thế nào, gần 22 năm sau vụ va chạm giữa máy bay do thám Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc cách bờ biển đảo Hải Nam khoảng 112 km.
“Chúng tôi không biết người Trung Quốc thu được những thông tin tình báo gì”, giáo sư Evan Medeiros ở Georgetown, người đã cố vấn cho cựu Tổng thống Barack Obama về Trung Quốc và châu Á với Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết.
“(Tuy nhiên), điều này cho thấy rõ ràng những thách thức từ phía Trung Quốc”, ông Medeiros nói. “Bạn nhìn lên khi đang dắt chó đi dạo và thấy một khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên bầu trời”.
Không quân Mỹ sử dụng tiêm kích F-22 bắn hạ khí cầu. Ảnh: Reuters. |
Câu hỏi về vấn đề giám sát ở Mỹ
Khinh khí cầu Trung Quốc đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của công chúng khi bay qua các hầm chứa hạt nhân ở Montana, sau đó được phát hiện gần thành phố Kansas và bị bắn hạ bởi tên lửa Sidewinder trên vùng nước nông ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Nhưng hóa ra, đó không phải là vụ việc đầu tiên. Vài giờ trước khi khinh khí cầu bị bắn rơi, Lầu Năm Góc cho biết có một chiếc khác đang bay qua Nam Mỹ.
Washington cũng ghi nhận nhiều lần khác khinh khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ trong quá khứ.
“Các trường hợp hoạt động như vậy của khinh khí cầu đã được quan sát thấy trước đây trong vài năm qua”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder, cho biết.
Một quan chức cấp cao cho hay nhiều khinh khí cầu trong số đó xuất hiện ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, một số khác ở gần Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng với phần lớn hải quân và thiết bị giám sát của Hạm đội Thái Bình Dương.
Sự thừa nhận của tướng Ryder làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có thất bại trong việc thiết lập "lằn ranh đỏ" về vấn đề giám sát khinh khí cầu từ nhiều năm trước, và liệu đó có phải yếu tố khiến Trung Quốc trở nên táo bạo hơn hay không.
“Việc chúng (khinh khí cầu Trung Quốc) đã đi vào không phận trước đó không hề dễ chịu chút nào”, Amy B. Zegart, thành viên cấp cao tại Viện Hoover, cho biết.
“Đáng lẽ chúng ta nên có một chiến lược sớm hơn”, bà nói. “Chúng ta nên ra tín hiệu về những giới hạn của mình sớm hơn nhiều”.
Thay đổi
Không có gì mới về việc các siêu cường theo dõi lẫn nhau. Cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower từng cho phép khí cầu gắn camera bay “qua các nước thuộc khối Liên Xô dưới danh nghĩa nghiên cứu khí tượng” vào giữa những năm 1950, theo bài báo do Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ xuất bản năm 2009.
Với sự ra đời của các vệ tinh do thám đầu tiên, khinh khí cầu sau đó dường như trở nên lỗi thời.
Nhưng giờ đây, chúng đang quay trở lại. Bởi những khinh khí cầu được trang bị cảm biến công nghệ cao sẽ bay lơ lửng trên một địa điểm lâu hơn và có thể thu sóng radio, di động cùng các đường truyền khác không thể phát hiện được từ không gian.
Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Đó là lý do việc nhìn thấy khinh khí cầu ở Montana rất quan trọng. Trong những năm gần đây, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ - cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân - đã thiết lập lại đường dây liên lạc với các địa điểm vũ khí hạt nhân.
NSA cũng từng nhắm tới Trung Quốc. Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden từng tiết lộ nhiều hoạt động của cơ quan này cách đây một thập kỷ, bao gồm thâm nhập vào mạng lưới Huawei, đồng thời theo dõi hành tung của binh lính Trung Quốc phụ trách di chuyển vũ khí hạt nhân.
Những hoạt động như vậy giúp củng cố thêm lập luận rằng các nước đều làm điều đó. Bởi phần lớn chúng không công khai, chúng hiếm khi bị cuốn vào vấn đề chính trị quốc gia.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi.
Sự cố khinh khí cầu xảy ra vào đúng thời điểm đảng Dân chủ và Cộng hòa đang cạnh tranh để chứng minh ai có thể có lập trường cứng rắn hơn trước Trung Quốc.
Và điều đó đã được thể hiện rõ. Chủ tịch mới của ủy ban tình báo Hạ viện, ông Michael R. Turner, đã lặp đi lặp lại quan điểm của nhiều thành viên đảng Cộng hòa, những người lập luận rằng khinh khí cầu cần bị bắn hạ sớm hơn.
Ông gọi việc bắn hạ mới đây “giống như cố gắng đối phó với một người tiền vệ sau khi trận đấu kết thúc".
“Thiết bị đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Lẽ ra nó không bao giờ được phép vào Mỹ, và nó không bao giờ được phép hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông nói.
Vẫn chưa rõ “sứ mệnh” ông Turner ám chỉ là gì. Nhưng nó chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động tình báo ngày càng gia tăng giữa cạnh tranh siêu cường.
Vấn đề liên lạc
Bên cạnh đó, vụ việc khiến nhiều người ở Washington tự hỏi liệu cộng đồng tình báo và giới lãnh đạo dân sự ở Bắc Kinh có liên lạc với nhau hay không.
“Điều khác ở đây là tính công khai của sự kiện. Người ta sẽ có cảm giác khác khi tận mắt thấy sự xâm nhập vào đất nước mình”, tướng Michael Rogers, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia cho biết.
Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Antony J. Blinken dự kiến có chuyến thăm đầu tiên với tư cách nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Bắc Kinh sau nhiều năm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters. |
Hôm 3/2, ông Blinken đã hoãn thăm Trung Quốc. ABC News dẫn lời quan chức Mỹ cho biết ông Blinken không muốn làm tình hình trở nên quá phức tạp bằng cách hủy chuyến thăm, song cũng không muốn sự cố khinh khí cầu chi phối cuộc gặp của ông với các quan chức Trung Quốc.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khí cầu được phát hiện ở không phận Mỹ là khí cầu dân sự, được dùng cho mục đích nghiên cứu thời tiết, Reuters đưa tin.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh khi gọi khinh khí cầu này là thiết bị do thám, các phương tiện truyền thông và chính trị gia Mỹ đang gây tổn hại cho quan hệ Trung - Mỹ, theo China Daily.
Vụ việc không phải là một cuộc khủng hoảng đe dọa tính mạng. Nhưng thực tế, New York Times cho rằng các quan chức Trung Quốc đã không lập tức liên lạc để tìm cách giải quyết vấn đề sau khi nhận được thông tin về khinh khí cầu.
Trước đó, vấn đề tương tự đã xảy ra sau vụ va chạm năm 2001, giữa một máy bay do thám EP-3 và chiến đấu cơ Trung Quốc. Trong nhiều ngày sau sự cố đó, cựu Tổng thống George W. Bush không thể gọi điện cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Những nỗ lực của ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, tướng Colin Powell, cũng thất bại.
“Điều đó khiến bạn tự hỏi điều gì có thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn”, tướng Powell sau này nói.
Sau đó, các đường dây nóng được thiết lập và cả hai bên cam kết về việc giữ liên lạc tốt hơn. Nhưng rõ ràng, điều đó đã thất bại.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.