ĐT Việt Nam có thông lệ khi ký hợp đồng với HLV, sẽ có điều khoản kiêm nhiệm vai trò ở cả hai cấp độ tuyển quốc gia (ĐTQG) và đội U23. Mới đây, HLV Park bày tỏ nguyện vọng được giảm tải công việc để chỉ tập trung vào một trong hai mục tiêu là dẫn dắt ĐT Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022 và dẫn dắt U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2019.
Ở những quốc gia phát triển bóng đá bài bản và khoa học, việc một HLV đảm nhiệm cùng lúc hai vị trí tại ĐTQG lẫn đội Olympic là điều hiếm thấy. Ngay cả khi quá khát danh hiệu, chỉ có một vài trường hợp chấp nhận thỏa hiệp với cách làm này.
Hrost Hrubesch là HLV ở cấp độ trẻ số một của bóng đá Đức trong nhiều năm, nhưng chưa từng làm việc ở cấp độ tự tại ĐTQG vì đã có Joachim Loew. Ảnh: Getty Images. |
Bóng đá Đức
Một trong những nền bóng đá được đánh giá cao nhất thế giới là Đức, đáng ngạc nhiên là việc chọn đội U21 trở thành đội Olympic thay vì giới hạn tuổi lên U23 như nhiều quốc gia khác.
Trong 13 năm qua, HLV trưởng ĐT Đức là Joachim Loew, nhưng nhà cầm quân này không đảm nhiệm vai trò tương tự ở đội U21. Huyền thoại chuyên đào tạo bóng đá trẻ Hrost Hrubesch đảm nhiệm vai trò này. Năm 2009, Hrubesch đưa U21 Đức vô địch U21 châu Âu với nòng cốt là lứa Maneul Neuer, Mesut Oezil, Jerome Boateng.
Nếu có thành tích không tốt, LĐBĐ Đức (DFB) cũng sẵn sàng sa thải HLV U23. Ông Rainer Adrion không thể đưa đội Olympic Đức giành vé tới Olympic 2012 lẫn vượt qua vòng bảng giải U21 châu Âu 2013 nên bị sa thải. Một lần nữa, Hrost Hrubesch được đôn lên thay, và Olympic Đức liền giành HCB Olympic 2016 tại Brazil.
Trong nhiều năm, Hrubesch đều từ chối việc trở thành ứng viên dẫn dắt ĐT Đức. Ông được bổ nhiệm thành HLV trưởng ĐT bóng đá nữ Đức vào năm 2018.
Dunga từng giúp ĐT Brazil vô địch Copa America 2007, nhưng chỉ giành HCĐ Olympic 2008. Ảnh: Getty Images. |
Bóng đá Brazil
Brazil từng là hình mẫu kiêm nhiệm hai vị trí này trong số những ĐT hàng đầu thế giới. Tại Olympic 2008 và 2012, HLV trưởng ĐT Brazil khi ấy là Carlos Dunga và Manolo Menezes đều nắm quyền luôn tại đội Olympic.
Song thành tích của cả hai đều không đáp ứng được kỳ vọng. Với Ronaldinho trong đội hình, Olympic Brazil chỉ giành HCĐ tại Olympic 2008 sau khi thua Olympic Argentina của Leo Messi và Juan Riquelme 0-3 ở bán kết. Tại Olympic 2012, Brazil của Menezes với Neymar chỉ giành HCB sau khi thua Olympic Mexico trong trận chung kết.
Năm 2015, LĐBĐ Brazil (CBF) đưa ra thay đổi. HLV Rogério Micale được bổ nhiệm làm HLV đội U20 và sau này là U23 tham dự Pan American Games 2015 và Olympic 2016.
Tại Olympic 2016, Brazil giành huy chương vàng lần đầu tiên trong lịch sử với HLV riêng, tách biệt so với ĐTQG. HLV trưởng Brazil trước đó là Dunga đã bị sa thải sau khi không thể giúp Selecao vượt qua vòng bảng Copa America 2016. HLV hiện tại của Brazil, Tite khi đó được bổ nhiệm nhưng không dẫn dắt đội Olympic.
Ông Moriyasu là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Nhật Bản cầm quân tại cả ĐTQG lẫn Olympic, nhưng quyết định này chỉ mang tính tình thế. Ảnh: AFC. |
Bóng đá Nhật Bản
Bóng đá Nhật Bản là hình mẫu cho việc không chồng chéo quyền lực ở cấp độ ĐTQG và lứa Olympic. Tại Olympic 2008, HLV trưởng đội Olympic Nhật Bản là ông Yasuharu Sorimachi. HLV trưởng ĐTQG khi đó là Takeshi Okada. Tại Olympic 2012, HLV trưởng là Takashi Sekizuka, còn HLV trưởng ĐTQG là Alberto Zaccheroni.
Năm 2016, HLV trưởng ĐT Nhật Bản tại Olympic là Makoto Teguramori. Trong khi, HLV trưởng ĐTQG là Vahid Halilhodzic.
HLV Hajime Moriyasu nắm quyền đội U23/Olympic Nhật Bản tại vòng chung kết (VCK) U23 châu Á và ASIAD 2018. Sở dĩ, việc ông Moriyasu nắm quyền tại ASIAD 2018 dù khi đó là HLV trưởng ĐTQG bởi nhà cầm quân này khi ấy mới được bổ nhiệm, và việc dẫn dắt lứa Olympic Nhật Bản (với 100% cầu thủ thuộc lứa U21) là nhiệm vụ cuối của ông Moriyasu trước khi bàn giao lại cho người kế nhiệm trong tương lai.
Ông Park Hang-seo từng thất bại trong việc đảm nhiệm vai trò của HLV Guus Hiddink khi chỉ dẫn dắt Olympic Hàn Quốc giành HCĐ tại ASIAD 2002. Ảnh: Chosun. |
Bóng đá Hàn Quốc
Bóng đá Hàn Quốc cũng không chồng chéo trách nhiệm cho HLV. Thậm chí, không ít trường hợp HLV đội Olympic quá tốt nên được bổ nhiệm lên hẳn làm HLV trưởng ĐTQG, nhường lại vị trí cho người khác.
Hong Myung-bo từng là HLV trưởng đội U23 Hàn Quốc trong giai đoạn 2009-2012. Với thành tích tốt, đội trưởng ĐT Hàn Quốc tại World Cup 2002 được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐTQG trong giai đoạn 2013-2014 và cầm quân tại World Cup 2014.
Shin Tae-yong làm HLV trưởng Olympic trong giai đoạn 2015-2016, giành HCB tại VCK U23 châu Á 2016, sau đó cũng được đẩy lên làm HLV trưởng ĐTQG và cầm quân tại World Cup 2018.
Hiện tại, Paulo Bento là HLV trưởng ĐTQG, còn Kim Hak-bum là HLV Olympic. HLV Park Hang-seo từng dẫn đội Olympic Hàn Quốc về ba tại ASIAD 2002 và bị sa thải.
Tháng 11 cùng năm đó, LĐBĐ Hàn Quốc mới bổ nhiệm tạm Kim Ho-gon dẫn 1 trận, và tháng 2/2003 mới bổ nhiệm Humberto Coelho (BĐN) trở thành HLV chính thức.
Ông Alexander Gama đang là HLV trưởng đội U23 Thái Lan. Ảnh: Changseuk. |
Bóng đá Thái Lan
Bóng đá Thái Lan cũng không chồng chéo quyền lực ở hai cấp độ đội tuyển. Tại VCK U23 châu Á hồi đầu năm 2018, HLV khi đó của U23 Thái Lan là ông Zoran Jankovic. HLV trưởng ĐTQG là ông Milovan Rajevac.
Sau khi ông Jankovic bị sa thải, LĐBĐ Thái Lan bổ nhiệm cựu danh thủ Worrawoot Srimaka dẫn dắt Olympic Thái Lan tại ASIAD 2018. Tại AFF Cup cuối năm 2018 và Asian Cup 2019, ông Rajevac vẫn là HLV trưởng cho đến khi bị sa thải sau khi thua ĐT Ấn Độ 1-4 ở trận ra quân Asian Cup.
Tới giờ, HLV trưởng ĐT Thái Lan vẫn chưa được xác định. Ông Sirisak Yodyardthai vẫn là HLV tạm quyền. Trong khi ở lứa U23, ông Alexander Gama đang là HLV trưởng, thay thế ông Srimaka bị sa thải sau thành tích tệ hại tại ASIAD 2018. Tại VCK U22 Đông Nam Á đang diễn ra, ông Gama cũng là HLV trưởng U22 Thái Lan.
Giống Hàn Quốc, Thái Lan cũng từng có trường hợp dẫn dắt đội U23/Olympic thành công và được bổ nhiệm lên vị trí HLV trưởng ĐTQG. Đó là Kiatisuk Senamuang trong giai đoạn 2013-2016 (dẫn Olympic) và 2014-2017 (dẫn ĐTQG).