Liên minh châu Âu (EU) luôn thận trọng về vấn đề căng thẳng Mỹ - Trung bắt nguồn từ việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Bắc vào đầu tháng 8, trong bối cảnh chuyến thăm đã dẫn đến một loạt cuộc tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xung quanh hòn đảo.
EU cảm thấy họ sẽ chẳng được lợi gì khi động chạm tới tranh cãi được coi là mang tính song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các nhà quan sát cho rằng EU sẽ không thể mãi đứng ngoài căng thẳng Mỹ - Trung.
Lúc này đây, các doanh nghiệp châu Âu đang phải cảnh giác trước cơn khủng hoảng chuỗi cung ứng trong tương lai. Sự biến động của tình hình được cho là sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để giành lấy các vi mạch của đảo Đài Loan - nơi sản xuất hơn 90% chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong chuyến thăm Đài Loan vào đầu tháng tám. Ảnh: CNN. |
Doanh nghiệp châu Âu đề phòng
Các công ty tại châu Âu đã bắt đầu lập kế hoạch cho tình huống xấu nhất, chẳng hạn như Trung Quốc đại lục phong tỏa đảo Đài Loan trong thời gian dài.
Tuy nhiên, theo ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, các công ty châu Âu tin rằng sẽ không xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan.
Dù vậy, ông cho rằng tình hình eo biển Đài Loan đã làm tăng thêm rủi ro địa chính trị, đặc biệt từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine gần sáu tháng trước.
Nói với South China Morning Post, Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cho rằng Berlin và Brussels phải tìm cách giúp các công ty đa dạng hóa thị trường để có thể “đầu tư vào các thị trường một cách dài hạn và giúp phát triển chúng, giống như cách Trung Quốc từng làm. Chìa khóa ở đây là một chính sách thương mại EU chủ động hơn”.
Các công ty tại châu Âu đã bắt đầu lập kế hoạch cho các tình huống xấu nhất. Ảnh: Reuters. |
Châu Âu nâng tầm cuộc đua vi mạch
Tình hình quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng cũng đã kéo theo những lời kêu gọi châu Âu cần nâng cao hơn nữa năng lực trong lĩnh vực vi mạch.
Vào tháng 2, EU đã công bố Đạo luật về Chip châu Âu, với mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 20% lượng con chip của thế giới vào năm 2030. Có nghĩa là EU sẽ phải tăng gấp bốn lần sản lượng nội khối trong 8 năm.
Tuy nhiên, tiến độ đang diễn ra rất chậm và có những lo ngại rằng Brussels có thể bị Washington vượt mặt trong cuộc đua lôi kéo đầu tư và có được bí quyết sản xuất từ những nhà sản xuất chip khổng lồ trên đảo Đài Loan.
Ngày 17/8, Mỹ đã thông báo nước này sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Đài Bắc, vài ngày sau khi giới thiệu đạo luật chip của riêng mình.
Dự luật của Washington bao gồm hơn 52 tỷ đôla tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, công nghệ sản xuất từ vũ khí quân sự đến ôtô gia đình. Đây được chính quyền Biden coi là "ưu tiên cấp bách trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh".
Trong khi đó, dự luật của EU dành 42 tỷ euro (42,41 tỷ đôla) cho các mục tiêu tương tự, nhưng Brussels không có ngân sách liên bang giống như Mỹ.
Thay vào đó, EU phải tập hợp quỹ từ các quốc gia thành viên - vốn đã gặp khó khăn về tài chính và đang trong cuộc chiến chống lạm phát tăng cao - và từ các quỹ đã được phân bổ từ trước. Điều này làm dấy lên câu hỏi về số tiền châu Âu có thể thực sự đầu tư vào chương trình chip.
EU công bố Đạo luật về Chip châu Âu với mục tiêu đầy tham vọng đó là sản xuất 20% chip của thế giới vào năm 2030. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Mark Liu, Giám đốc Công ty TSMC chuyên sản xuất chất bán dẫn trên đảo Đài Loan, cảnh báo ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi rằng gã khổng lồ này sẽ “không thể vận hành” nếu xung đột xảy ra.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Pháp Natixis, thúc giục Brussels nhanh chóng cung cấp các khoản trợ cấp để các công ty từ Đài Loan có thể thành lập ở châu Âu.
Tuy nhiên, Miriam Garcia Ferrer, phát ngôn viên thương mại của EU cho biết Brussels không có kế hoạch đàm phán thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư cụ thể với Đài Bắc.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Brussels và Bắc Kinh vẫn có thể bùng phát khi một loạt nhà lập pháp châu Âu đến thăm Đài Loan trong những tháng tới, bất chấp cảnh báo từ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng cách làm này “sẽ phá hoại nghiêm trọng nền tảng chính trị cho việc trao đổi tiếp xúc với Trung Quốc”.