Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ván cược Bitcoin thất bại của El Salvador

El Salvador có nguy cơ trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì Bitcoin.

El Salvador vo no anh 1

Năm 2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên chính thức hợp pháp hóa đồng Bitcoin. Từ lúc đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc đầu tư công quỹ vào đồng tiền phi tập trung và thiếu tính ổn định như Bitcoin sẽ phá hủy cả quốc gia này.

Tròn một năm sau, nhiều người phản đối Bitcoin cho rằng đồng tiền này đã phá hủy nền dân chủ, cản trở nhân quyền và gây nguy hại đến tương lai của nền kinh tế. Trong khi đó, lợi ích chỉ tập trung đến tay những nhà đầu tư tiền mã hóa giàu có.

Quyết định gây tranh cãi của El Salvador

Những lo ngại này ngày càng tăng khi giá đồng Bitcoin lao dốc, khiến El Salvador phải đứng trên bờ vực vỡ nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cảnh báo quốc gia Trung Mỹ nên loại bỏ đồng Bitcoin nếu muốn cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, vị tổng thống ủng hộ Bitcoin vẫn nhất quyết không thừa nhận sai lầm của mình.

Trước khi hợp pháp hóa Bitcoin, nhiều vấn đề đã xảy ra với nước này. Thay vì công khai kế hoạch đến người dân, Tổng thống Nayib Bukele lại công bố thông tin này tại hội nghị Bitcoin ở Miami vào tháng 5/2021. 5 ngày sau, đạo luật được thông qua và chính thức áp dụng vào tháng 9/2021.

El Salvador vo no anh 2

El Salvador rơi vào tình trạng lỗ nặng bất chấp những lần bắt đáy trước đó do xu hướng thị trường. Ảnh: Reuters.

Theo Rolling Stone, một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Tổng thống Nayib Bukele đối với Bitcoin là ra mắt Chivo Wallet, ví tiền điện tử do chính phủ phát triển, và các cây ATM của Chivo.

Quốc gia này hứa tặng 30 USD cho những công dân sử dụng ứng dụng thanh toán tiền mã hóa. Nhưng kể từ khi ra mắt, Chivo nhiều lần gặp lỗi và trở thành nơi hoạt động lý tưởng của các nhóm tội phạm khi gần 1.000 trường hợp lừa đảo đã xảy ra chỉ trong 3 tháng đầu sử dụng.

Ngày 15/9/2021, hàng nghìn người dân đã ra đường để phản đối luật Bitcoin. Khẩu hiệu của cuộc biểu tình là “No to Bitcoin”. Theo một khảo sát của University of Central America, 70% người dân phản đối luật Bitcoin.

“Chúng tôi không phản đối công nghệ blockchain. Nhưng chúng tôi phản đối đạo luật này”, Oscar Salguero, một nhà khởi nghiệp và phát triển phần mềm tại El Salvador, khẳng định. Anh cho rằng đạo luật này rất xa vời với người dân và những người nghèo chẳng được lợi gì từ nó.

Mặc kệ những phản đối, đến tháng 11/2021, Tổng thống Bukele lại tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng Thành phố Bitcoin, thành phố đầu tiên trên thế giới dựa trên tiền mã hóa. Thành phố này sẽ nằm dọc theo Vịnh Fonseca ở phía đông nam, gần một ngọn núi lửa.

Vị tổng thống cho biết chính phủ có kế hoạch đặt một nhà máy điện cạnh núi lửa để cung cấp năng lượng cho cả thành phố và hoạt động khai thác Bitcoin. Song, quyết định của ông lại một lần nữa gây tranh cãi.

El Salvador vo no anh 3

Người dân El Salvador biểu tình phản đối Bitcoin. Ảnh: Getty Images.

“Núi lửa là biểu tượng mang lại sự sống của người dân El Salvador. Nhiều thành phố lớn được xây cạnh khu vực có núi lửa vì đất đai ở đây rất màu mỡ”, Jorge Cuéllar, giáo sư tại Dartmouth College, chia sẻ.

El Salvador ngập trong nợ

Bên cạnh đó, chính quyền quốc gia Trung Mỹ này còn có kế hoạch phát hành “trái phiếu Bitcoin” trị giá 1 tỷ USD. Trong đó, 500 triệu USD được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng cần thiết để khai thác Bitcoin. Một nửa số tiền còn lại sẽ được sử dụng để mua thêm đồng tiền mã hóa này.

“El Salvador đang đứng trước khủng hoảng nợ”, Cuéllar nói. IMF ước tính nợ công của quốc gia này sẽ chiếm hơn 95% GDP vào năm 2026.

Tính đến hiện tại, Tổng thống Bukele cho biết đã mua tổng cộng 2.400 đồng Bitcoin với giá hơn 100 triệu USD. Nhưng với tình trạng lao dốc của thị trường, số Bitcoin của El Salvador đã mất giá 60%. Trong khi đó, quốc gia Trung Mỹ đang nợ 23 tỷ USD và phải trả 800 triệu USD cho IMF vào năm 2023.

El Salvador vo no anh 4

Canh bạc vào Bitcoin vẫn chưa thành công như Tổng thống Nayib Bukele hy vọng. Ảnh: Getty Images.

Không chỉ gây nguy hại đến nền kinh tế, kế hoạch xây dựng Thành phố Bitcoin còn ảnh hưởng đến môi trường. Vị tổng thống khẳng định sẽ sử dụng năng lượng địa nhiệt để có năng lượng sạch cho việc đào Bitcoin.

Nhưng nguồn năng lượng này chỉ chiếm 27% tổng năng lượng của El Salvador. Do đó, quốc gia Trung Mỹ cần nhập thêm 25% điện mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, đây cũng là một nguồn năng lượng đắt đỏ. Việc xây dựng các nhà máy điện sẽ tàn phá tài nguyên của quốc gia vì tốn rất nhiều nước, trong khi người dân lại thiếu nước sạch để dùng.

Theo Rolling Stone, Bitcoin vẫn là một giải pháp thiếu thực tế với người dân El Salvador. Thu nhập của họ không đủ để đặt cược vào những canh bạc có thể lên xuống bất cứ lúc nào của Bitcoin.

Nhà kinh tế học Carmen Tatiana Marroquín cho rằng chính phủ nước này đang “đánh bạc” với tiền của người dân. “Bitcoin không những không mang lại lợi ích cho người dân mà còn khiến họ mất cơ hội tiếp cận với những nguồn lợi khác”, ông chia sẻ.

Quyết định hợp pháp hóa Bitcoin của El Salvador như một quả bom nổ chậm, Rolling Stone nhận định. Khi tập trung ngân sách và nguồn lực vào đồng tiền số này, các vấn đề và khủng hoảng kinh tế, chính trị của quốc gia ngày càng tăng.

Cụ thể, từ tháng 3/2022, El Salvador tràn ngập trong xung đột với ít nhất 50.000 người bị bắt. Nhiều chính trị gia của quốc gia Trung Mỹ này đã bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc rửa tiền, vận chuyển ma túy bất hợp pháp.

Bitcoin sập giá, hơn nửa tỷ USD bốc hơi

Giá Bitcoin lao dốc về mốc 21.400 USD khiến hàng loạt nhà đầu tư cháy lệnh phái sinh.

Thợ đào Bitcoin liên tục thua lỗ

Ảnh hưởng tiêu cực của thị trường đã khiến nhiều công ty khai thác Bitcoin lớn phải gánh các khoản lỗ khổng lồ.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm