Đầu tháng 7, Ruja Ignatova, kẻ lừa đảo từng được mệnh danh “nữ hoàng tiền số” bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) liệt vào danh sách 10 kẻ đào tẩu truy nã gắt gao nhất. Cơ quan này treo thưởng 100.000 USD cho người cung cấp thông tin để bắt giữ Ignatova.
Ignatova bị truy nã sau khi chiếm đoạt hàng tỷ USD từ dự án tiền số đa cấp OneCoin. Khi giới thiệu OneCoin năm 2016, Ignatova khẳng định đây sẽ là loại tiền số mạnh nhất thế giới, soán ngôi Bitcoin. Tuy nhiên, bà bỏ trốn vào năm 2017 với khoản tiền khổng lồ từ nhà đầu tư.
Trong một vụ kiện vào năm 2021 tại Dubai, bà Ignatova cũng bị cáo buộc đang nắm giữ 230.000 Bitcoin do Sheikh Saoud, thành viên một tiểu vương quốc Arab đưa cho.
Trong cuốn sách mới được phát hành, Jamie Bartlett, phóng viên người Anh săn lùng Ignatova suốt 4 năm đã chia sẻ câu chuyện về thời thơ ấu của "nữ hoàng tiền số", cách bà cùng bạn trai "làm mưa làm gió" với OneCoin đến lúc bị FBI truy nã đặc biệt.
Học giỏi, khó gần
"Bà ấy rất muốn giàu có", Bartlett viết về Ignatova. Sau khi "Bức màn sắt" (Iron Curtain) sụp đổ, gia đình Ignatova chuyển từ Bulgaria đến Schramberg (Đức) vào năm 1990, khi bà mới 10 tuổi. “Bức màn sắt” là cụm từ nói đến ranh giới phòng thủ căng thẳng giữa Đông Âu và Tây Âu trong thời Chiến tranh Lạnh.
Sau khi sang Đức, cha của Ignatova làm tại cửa hàng lốp xe, cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ phía trên một cửa hàng thịt. Trong cuốn sách, Bartlett mô tả Ignatova học rất giỏi.
"Ngay cả với tiêu chuẩn của những bậc cha mẹ khắt khe, Ruja vẫn rất đặc biệt. Ở trường, bà ấy đứng đầu mọi lớp, học môn nào cũng xuất sắc. Một giáo viên tại Schramberg mô tả Ruja là học sinh thông minh nhất ông từng dạy", Bartlett viết.
Học rất giỏi nhưng Ignatova sống khép kín. "Những học sinh khác nhận ra bà ấy khó gần và kiêu ngạo. Lúc 16 tuổi, Ruja đi lang thang trên hành lang với đôi giày cao gót, son môi đỏ như thể đây là sàn diễn của bà", Bartlett cho biết.
Năm 18 tuổi, Ignatova nhận học bổng danh giá của Đại học Konstanz, được ví như "Harvard của Đức". Bà lấy bằng tiến sĩ năm 2005, sau đó học thạc sĩ về luật học so sánh châu Âu tại Đại học Oxford (Anh). Theo Bartlett, Ignatova rất thông minh, học giỏi nhất lớp nhưng vẫn khó gần.
Năm 2008, Ignatova làm việc tại công ty tư vấn McKinsey ở Sofia (Bulgaria), sau đó thành đại diện một số ngân hàng nổi tiếng thế giới. Do thông thạo tiếng Nga, Ignatova thường xuyên đến Moscow để "giúp các ngân hàng Nga thâm nhập thị trường châu Âu".
"Bà ấy là một trong những người sẵn sàng trả lời email của bạn trong vài phút, dù gửi vào buổi đêm hay ban ngày. 'Tôi không muốn có con', bà ta từng nói với đồng nghiệp một cách lạnh lùng như vậy", Bartlett viết.
Lợi dụng tâm lý FOMO
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, công ty đóng cửa khiến Ignatova thất nghiệp. Dù tìm được việc tại hãng đầu tư lớn nhất Bulgaria, bà vẫn không hài lòng.
Cuốn sách ghi rằng Ignatova từng muốn ra mắt mỹ phẩm: "Bà ấy trở thành gương mặt nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, kinh doanh và chính trị thành phố nhưng vẫn chưa giàu".
Để tìm ra con đường thay đổi cuộc đời, Ignatova nghiên cứu về Bitcoin. Đầu năm 2013, giá trị loại tiền mã hóa này vượt ngưỡng 500 USD. Bên cạnh những lời có cánh, nhiều người cho rằng đây chỉ là công cụ của những kẻ buôn ma túy và rửa tiền. Do đó, Ignatova muốn tạo ra phiên bản tiền mã hóa vượt trội hơn.
Tháng 11/2013, Ignatova làm diễn giả một hội thảo về tiền mã hóa tại Singapore. Bà nêu kế hoạch cung cấp lương hưu bằng tiền mã hóa, dựa trên hiểu biết về tài chính và ngân hàng. Tham dự hội thảo còn có Sebastian Greenwood, sau này tham gia cùng Ignatova tạo ra OneCoin.
Theo cuốn sách, cả 2 ấp ủ kế hoạch sáng lập OneCoin, thứ được Ignatova mệnh danh là "sát thủ Bitcoin" và "tương lai của tiền tệ". Dự án thu hút nhiều chú ý nhờ tầm ảnh hưởng của Ignatova.
Trong sự kiện tổ chức tại nhà thi đấu SSE ở Wembley, London (Anh) năm 2016, Ignatova bước lên sân khấu trong nền nhạc This Girl Is on Fire! của Alicia Keys. "Bà ấy tự tin sải bước với mái tóc dài đen tuyền, son môi đỏ đậm, áo choàng đỏ với những chi tiết lấp lánh cùng cặp khuyên tai kim cương. Mọi thứ thể hiện sự thành công và quyến rũ", Bartlett viết trong cuốn sách.
Thay vì quảng cáo trực tiếp cho OneCoin, Ignatova rao bán các video và tờ rơi về cách đầu tư tiền mã hóa, tặng kèm một lượng OneCoin khi mua. Mức giá cao nhất là 5.000 bảng cho khóa học "Tycoon Trader". Với tâm lý không muốn bỏ lỡ (FOMO), chiến dịch của Ignatova tạo ra làn sóng mua bán điên cuồng.
Theo Bartlett, hầu hết nhà đầu tư thời điểm ấy kém hiểu về tiền mã hóa, nhưng thấy tiếc nuối do không đầu tư vào Bitcoin. "Khi giá Bitcoin tăng vọt năm 2013, những câu chuyện đổi đời nhờ tiền mã hóa xuất hiện ngày càng nhiều, không phải vì kiến thức hay kỹ năng giỏi, chỉ đơn giản là họ tham gia đầu tư sớm", Bartlett viết.
Tiêu xài hoang phí
Trước nghi ngờ về mô hình đa cấp OneCoin, Ignatova mời các luật sư để giám sát, công bố quy trình hoạt động minh bạch. Bà đảm bảo với nhà đầu tư rằng tiền cọc của họ sẽ an toàn.
Tuy nhiên trên thực tế, mọi hứa hẹn của Ignatova là giả dối. Những thông tin được công bố chỉ "xào nấu" từ website khác, đội ngũ pháp lý bù nhìn trong khi bản thân OneCoin không có blockchain, đồng nghĩa giá trị có thể bị Ignatova thao túng bất cứ lúc nào.
"Giá trị giả, công ty kiểm toán giả, sàn giao dịch giả và khóa học cũng giả... Mọi thứ là sự dối trá", Bartlett viết trong cuốn sách.
Khi nhận khoản tiền khổng lồ từ nhà đầu tư, Ignatova và cộng sự tiêu như nước. Các lãnh đạo OneCoin đổ tiền vào biệt thự, du thuyền, xe sang, quần áo và trang sức hàng hiệu. Theo cuốn sách, những "cò mồi" cấp cao của OneCoin mang về gần 1 triệu euro hoa hồng mỗi tháng.
"Sống 2 tuần trong căn penthouse tại Kensington khi du lịch London tháng 12/2016, (Ignatova) dành hầu hết thời gian mua sắm, trở về với 2 vệ sĩ xách theo túi quần áo và trang sức hàng hiệu", Bartlett viết. "Nữ hoàng tiền số" cũng chi 7 triệu euro để dùng siêu du thuyền Davina, gồm 6 phòng, khu vực quan sát dưới nước, quầy bar và buồng massage.
Một lãnh đạo khác của OneCoin là Juha Parhiala mua lại khu nghỉ dưỡng tư nhân tại Thái Lan, sở hữu loạt xe sang như Ferrari 488, Bentley và Lamborghini Huracán vàng. Người tiêu tiền nhiều nhất là Igor Alberts khi mua một căn biệt thự 8 tầng tại khu phố nhà giàu ở ngoại ô Amsterdam (Hà Lan), đặt nhiều bức tượng bằng sợi thủy tinh, dựng cổng chào cao 3 m.
Khi những "cò mồi" đến làm việc, Alberts dẫn họ tham quan từng ngóc ngách trong nhà, bao gồm hồ bơi, buồng xông hơi, bàn billiards, vật trang trí bằng Swarovski, hơn 200 đôi giày, đồng hồ đắt tiền và túi xách Dolce & Gabbana.
Về tình cảm, Ignatova được cho đã qua lại với nhiều người dù đã có chồng. Theo Bartlett, bà kết hôn với luật sư Bjorn Strehl, nhưng có tình cảm với Greenwood. Năm 2017, "nữ hoàng tiền số" phải lòng một lãnh đạo OneCoin khác là Gilbert Armenta (đã có vợ). 2 người bàn chuyện ly dị bạn đời để đến với nhau.
Sau khi thuê người theo dõi, Ignatova nổi giận khi biết Armenta không có ý định ly dị vợ. Cùng lúc đó, Armenta bị giới chức Manhattan theo dõi vì các giao dịch tài chính năm 2015, sau đó dẫn đến cuộc điều tra liên quan đến OneCoin. Khi Armenta bị bắt, anh ta đuổi Ignatova ra ngoài.
Sau khi FBI bắt giữ em trai Konstantin Ignatov, "nữ hoàng tiền số" biết mình biết đang trong tầm ngắm. Bà bỏ trốn vào năm 2017 trong chuyến bay từ Sofia đến Athens (Hy Lạp) rồi mất dấu, bỏ lại người tình, em trai cùng các cộng sự vướng vòng lao lý. OneCoin cũng nhanh chóng sụp đổ.
Ignatova đang ở đâu?
Greenwood đang bị tạm giam tại Brooklyn (Mỹ), đối mặt tội danh lừa đảo, rửa tiền và gian lận chứng khoán. Vàng và tài sản của người này cũng bị giới chức Thái Lan tịch thu. Armenta và Konstantin đã thừa nhận toàn bộ hành vi. Mark Scott, luật sư của OneCoin cũng bị kết tội rửa tiền tại New York. Cảnh sát đang tìm cách lấy lại 400 triệu USD từ người này.
Tuy nhiên cho đến nay, giới chức vẫn chưa có kế hoạch tập trung để bồi thường cho nạn nhân. Theo Bartlett, giá trị tài sản của Ignatova có thể lên đến hàng tỷ USD.
Trong một vụ kiện vào năm 2021 tại Dubai (UAE), Ignatova bị cáo buộc đang nắm giữ 230.000 Bitcoin do Sheikh Saoud, thành viên một tiểu vương quốc Arab đưa cho. Hiện nay, giá trị khoản tiền ấy tương đương hơn 9 tỷ USD.
"Con số trên đủ để Ignatova trở thành một trong những tên tội phạm giàu nhất thế giới", Bartlett viết. Nếu thực sự sở hữu lượng Bitcoin trên, bà ấy có thể truy cập mà không bị theo dõi bởi tính ẩn danh của tiền mã hóa.
Năm 2019, Văn phòng Luật sư Mỹ tại Manhattan buộc tội vắng mặt với Ignatova do gian lận chứng khoán, lừa đảo và rửa tiền. Đầu tháng 7, bà bị FBI liệt vào danh sách 10 kẻ đào tẩu truy nã gắt gao nhất. Nếu bị bắt và đưa ra xét xử, "nữ hoàng tiền số" có thể đối mặt án tù 90 năm.
Bartlett dẫn một số tin đồn rằng Ignatova đã phẫu thuật thẩm mỹ, dùng tên giả để sinh sống. Nam phóng viên săn lùng bà từ Hy Lạp đến Dubai và Pháp, trên chiếc du thuyền vòng quanh Địa Trung Hải. Đó không phải thuyền của Ignatova, nhưng bà có thể sống ngoài vòng pháp luật trong nhiều năm với sự giàu có và hộ chiếu giả.
"Nữ hoàng tiền số đang trôi nổi đâu đó trên biển với cái tên mới, khuôn mặt mới và khả năng truy cập vô số loại tiền lạ lùng này", Bartlett viết.