Tổng thống Vladimir Putin đang ngày càng mong muốn di sản ông để lại là việc Nga có thể đảo ngược xu thế nghiêng về phương Tây của Ukraine.
Vì thế, kể cả nếu không phát lệnh tấn công Ukraine vào mùa đông này, ông Putin đang tỏ rõ mình sẽ dùng mối đe dọa vũ lực để duy trì áp lực cho tới khi đạt được thứ ông muốn.
Nhưng các lãnh đạo Ukraine tới nay vẫn từ chối thỏa hiệp theo điều kiện ông Putin đặt ra. Phương Tây cũng không chấp nhận việc Điện Kremlin muốn có một vùng phạm vi ảnh hưởng riêng cho Nga ở Đông Âu.
Như vậy, kịch bản tốt đẹp nhất có thể diễn ra là một cuộc chơi ngoại giao dai dẳng, hướng tới cái đích là một thỏa thuận khó khăn. Quá trình này còn có thể làm hao tổn tâm lực và tài nguyên của phương Tây trong nhiều tháng.
Một binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến ở miền Nam Ukraine. Ông Putin nhiều khả năng sẽ tìm cách duy trì căng thẳng ở mức cao trong tương lai. Ảnh: New York Times. |
Khủng hoảng sẽ dai dẳng suốt năm
Quân đội Nga đang tập trung gần Ukraine với quy mô lớn đến mức ông Putin sẽ phải quyết định tấn công hay rút quân một phần trong những tuần tới đây, các nhà phân tích nhận định.
Nhưng ngay cả khi đã lui quân, ông Putin vẫn có cách thức khác để khiến đối phương lo lắng như các buổi diễn tập lực lượng hạt nhân, các đòn tấn công mạng hay thậm chí là những lần hội quân tương lai.
“Tôi cho rằng khủng hoảng này sẽ đi theo chúng ta dưới nhiều hình thức trong ít nhất cả năm 2022”, Andrei Sushentsov, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại MGIMO, trường đại học cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhận định.
Ông Sushentsov cho rằng cuộc đối đầu hiện tại chỉ là bước đầu trong kế hoạch dài hơi của Nga nhằm buộc phương Tây đồng ý thiết lập kiến trúc an ninh mới cho Đông Âu.
Điều này cũng đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc xung đột nhiều năm giữa Nga và phương Tây, với rủi ro cao hơn.
Theo ông Sushentsov, mục tiêu của Nga là duy trì sao cho nguy cơ chiến tranh luôn thường trực, từ đó buộc giới chức phương Tây phải tham gia quá trình đàm phán mà họ luôn tránh né tới tận bây giờ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Putin tại buổi họp báo chung tại Moscow hôm 7/2, sau cuộc gặp hơn 5 tiếng để cố giảm căng thẳng. Ảnh: New York Times. |
Đã quá lâu rồi, người dân Tây Âu cho rằng một cuộc chiến mới trên lục địa này là điều bất khả thi. Nhưng với ông Putin, thái độ này cần được thay đổi để buộc phương Tây chấp nhận yêu cầu của Nga, theo ông Sushentsov.
“Hòa bình kéo dài quá lâu thường làm con người ‘sinh hư’. Họ cho rằng an ninh là điều tất nhiên và miễn phí, thay vì là thứ do đàm phán mà có”, ông Sushentsov nói. “Đây là một sai lầm”.
Đối với phương Tây, cách tiếp cận ấy có thể cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bị kéo vào một “cuộc chiến vĩnh viễn”, dạng xung đột ngày càng ngốn nhiều thời gian và tiền bạc mà không có chiến lược thoái lui rõ ràng.
Ukraine - NATO và tồn vong của Nga
Kể cả khi các nhà lãnh đạo phương Tây và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tạm thời làm hạ nhiệt căng thẳng, những yêu cầu lớn từ Nga vẫn khiến giới phân tích không mấy lạc quan vào khả năng các bên đạt được một thỏa thuận tầm cỡ.
Ruslan Pukhov, một nhà phân tích quân sự người Nga, cho biết kể cả khi phương Tây và Ukraine nhượng bộ để đẩy lùi xung đột vũ trang trong những tuần tới, điều này cũng khó có thể làm thỏa mãn Nga về lâu dài. Nguy cơ chiến tranh sẽ lại xuất hiện vào năm sau.
“Phương Tây không hiểu đây là vấn đề sống còn đối với chúng tôi”, ông Pukhov - người điều hành Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một viện chính sách tư nhân tại Moscow - nói. “Từ góc độ của tôi và của Nga, việc Ukraine vào NATO sẽ tương đương với chiến tranh nguyên tử”.
Xe bọc thép của Nga tại vùng Rostov vào cuối tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Những ngày gần đây, ông Putin đã đưa ra lời đe dọa rất rõ ràng về nguy cơ nổ ra chiến tranh nguyên tử vì Ukraine, lần lượt tại các buổi họp báo chung với thủ tướng Hungary và tổng thống Pháp.
Cả hai lần, vị tổng thống Nga chỉ ra kịch bản Ukraine sau khi gia nhập NATO sẽ cố gắng tái chiếm bán đảo Crimea, khu vực bị Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Những gì xảy ra sau đó sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân, theo lời nói hôm 6/2 của Dmitri Kiselyov, một MC hàng đầu của đài truyền hình quốc gia Nga. Trong cuộc chiến đó, Nga sẽ kéo theo cả phương Tây khi đối diện với sự tận diệt.
Giới chức phương Tây từng nói khả năng Ukraine gia nhập NATO là không thực tế trong tương lai gần. Nhưng Điện Kremlin khẳng định dù chỉ tồn tại ở mức khả năng, đây vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong của Nga.
Kết quả sẽ có trong những tuần tới
Trên thực địa, giới phân tích nhận thấy Nga đang tăng cường đà chuẩn bị cho giải pháp quân sự để mãi mãi ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Dựa trên ảnh vệ tinh và video binh sĩ di chuyển được đăng trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu cho biết Nga đang triển khai quân lực và trang thiết bị chỉ cách biên giới với Ukraine vài dặm.
“Có thể nói đây không phải là thế trận mà Nga sẽ duy trì trong thời gian dài”, Michael Kofman - giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại CNA, một viện nghiên cứu tại Virginia (Mỹ) - nói. “Họ đang ở trong trạng thái đi hoặc không và quyết định này sẽ được đưa ra trong những tuần tới”.
Ảnh vệ tinh cho thấy các trang thiết bị phòng không tại một sân bay ở Belarus vào đầu tháng 2. Ảnh: AP. |
Nhưng kể cả có đòn tấn công, các nỗ lực ngoại giao vẫn sẽ tiếp diễn. Lúc đó, Nga sẽ có thêm nhiều đòn bẩy đàm phán, ông Kofman nhận định. “Tới cuối cùng, các bên cũng sẽ cần đạt một thỏa thuận”, ông nói.
Dù Nga có các hành động di chuyển quân sự đáng ngại, nhiều nhà phân tích của nước này vẫn hoài nghi khả năng ông Putin thật sự phát động tấn công toàn diện.
Nguyên nhân là rủi ro đi kèm sẽ vượt xa so với những động thái quân sự trước đây của ông Putin, như cuộc chiến 5 ngày với Georgia hồi năm 2008. Tên lửa của Nga có thể trượt và gây thương vong cho dân thường, khiến Ukraine có thể trả đũa.
Điện Kremlin hôm 8/2 cho biết Nga sẽ rút hàng nghìn binh sĩ được điều động tới Belarus, nước láng giềng phía bắc của Ukraine, sau khi hai nước kết thúc tập trận chung vào ngày 20/2.
Liệu binh sĩ Nga có rời đi hay không sẽ là tín hiệu cho thấy ý đồ quân sự của ông Putin. Nhưng dù lực lượng này có rời khỏi Belarus, tâm lý của Nga sẵn sàng gây áp lực quân sự lên Ukraine và phương Tây để thu hút chú ý nhiều khả năng vẫn còn đó.
“Nga đã xa rời chiến thuật đơn thuần đề nghị đối phương phải lắng nghe mình”, ông Sushentsov nói. “Các nhà lãnh đạo của Nga đã nhận ra chiến thuật này không hiệu quả. Họ thấy cần phải làm rõ nguy cơ nếu lập trường của Nga bị làm ngơ”.