Người gọi đến số điện thoại khẩn cấp 112 của Hàn Quốc nói rằng họ đang ở trên đường chính tới Itaewon, Seoul, và một con hẻm cạnh khách sạn Hamilton đang trở nên đông đúc nguy hiểm.
"Con hẻm đó đang thực sự nguy hiểm lúc này, mọi người đang di chuyển lên, xuống không ngừng, thế nên nhiều người đang không thể đi xuống được nhưng mọi người vẫn tiếp tục đi lên, sẽ xảy ra sự dồn ép. Tôi vừa kịp thoát ra nhưng đám đông lớn quá. Tôi nghĩ rằng cảnh sát nên tới kiểm soát", người gọi cho biết.
Hơn 3 giờ sau đó, thảm kịch đã bắt đầu.
Theo Yonhap, cơ quan chức năng ban đầu nhận được hàng chục tin báo ở khu vực Itaewon về những người bị khó thở. Báo cáo đầu tiên xuất hiện vào khoảng 22h15.
Các quan chức cho biết đám đông bắt đầu xô đẩy về phía trước trong con hẻm dốc có chiều rộng khoảng 4 m gần khách sạn Hamilton.
Vị trí xảy ra thảm kịch hôm 29/10. Đồ họa: SCMP. |
Hôm 1/11, Cảnh sát trưởng Hàn Quốc Yoon Hee-keun đã mở lời xin lỗi vì đã có phản ứng “không thích đáng” đối với vụ giẫm đạp.
“Chúng tôi đánh giá rằng phản ứng đối với các cuộc gọi khẩn cấp là không thích đáng”, Cảnh sát trưởng Yoon Hee-keun cho biết. Ông lưu ý rằng cảnh sát đã nhận được số lượng lớn các cuộc gọi trước khi thảm kịch xảy ra.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các dữ kiện để xem liệu chúng tôi có hành động thích hợp hay không sau khi nhận được báo cáo khẩn cấp, thông báo trước về mối nguy hiểm”, ông Yoon tuyên bố về một cuộc điều tra độc lập.
Cùng ngày, bày tỏ nỗi buồn với tang quyến của thảm kịch khiến 156 người thiệt mạng ở Itaewon hôm 29/10, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo thừa nhận những thất bại trong việc quản lý đám đông đã đóng một vai trò trong thảm họa.
Ông cho biết chính phủ sẽ làm việc với các bộ, cơ quan và tổ chức y tế để đảm bảo những vấn đề như vậy trong các sự kiện tự phát không bao giờ xảy ra nữa.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.
Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.