Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vài đồng bạc lẻ và mái tóc cháy khét đẫm mùi khói

Chúng tôi chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Chỗ bạc lẻ ấy chỉ đủ mua cây bút, hay dăm thức quà ở chợ quê. Vậy mà cả bọn vẫn háo hức lạ kì.

Người lớn luôn dạy trẻ con không được tự ý tiêu tiền. Đứa nào có nhiều tiền sẽ dễ hư hỏng. Điều đó cũng có phần đúng chứ chẳng sai. Khổ nỗi, xưa nay những thứ ước mà không được, lại là cái khiến người ta thèm muốn. Ngày nhỏ, tôi và đám bạn đứa nào cũng muốn có thật nhiều tiền. Có tiền là có quần áo đẹp, bánh kẹo và truyện tranh. Chỉ cần có trong tay những tờ tiền giấy xanh xanh, đỏ đỏ, mọi mong ước khác sẽ được thỏa mãn một cách dễ dàng.

Nhưng cả năm chỉ có một cái Tết để đợi tiền mừng tuổi mà thôi. Phần lớn lì xì của trẻ con đều bị người lớn giữ hết, nhất là những tờ có mệnh giá cao. Ngày bé, mỗi khi Tết đến, tôi và mấy đứa bạn chỉ thích được mừng tuổi vài nghìn lẻ, vì ít như thế mới được cầm để đút lợn hay ăn quà. “Tiền to” nhanh chóng "chạy" về túi của bà và mẹ khi khách khứa đã về hết.

Số tiền ít ỏi đó chỉ tiêu được vài hôm là hết. Đứa nào giỏi tiết kiệm thì còn co kéo được một tháng. Ngồi nghĩ ngợi mãi, cả bọn mới nhận ra rằng: Tìm cách kiếm tiền vẫn hơn là đợi mừng tuổi.

vai dong bac le anh 1

Tiền mừng tuổi là một lý do khiến con trẻ háo hức mong Tết đến. Ảnh: Myclip.vn

Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng gom dép rách, hay vỏ chai, vỏ lon đi bán, nhưng chẳng được bao nhiêu. Ngày trước đời sống khó khăn, cả năm mới có vài bận trẻ con biết đến lon nước ngọt thì lấy đâu ra cái để mà gom. Đôi dép tổ ong cũ rách một, hai mắt cũng chẳng dám vứt đi. Chúng tôi hì hụi lấy dây nilon buộc lại, dùng tiếp vài tháng, đến khi đế dép mòn vẹt, mỏng ngang bìa cuốn vở, mới được đem bán đồng nát.

Hồi ấy, cái Hiền sang nhà dì ở xã bên cạnh chơi. Thấy đám trẻ ở đó đốt củ gấu, bán cho hàng thuốc Bắc, nó thích chí ra mặt. Về nhà, con bé kể cho chúng tôi với giọng đầy hào hứng. Cuối cùng cả đám cũng nghĩ ra cách kiếm tiền!

Tưởng cái gì cao siêu chứ cỏ gấu thì ở quê tôi đầy. Không chỉ là loài cỏ dại, nó còn là một vị thuốc đông y, với cái tên mỹ miều là hương phụ. Bờ sông Bút ngay trước nhà bạt ngàn cỏ gấu. Chúng tôi vẫn thường lấy phần thân có nhánh hoa xinh xinh để làm nhẫn, hay vòng tay rồi xúng xính cùng nhau vui hội hè trong trí tưởng tượng ngây thơ của con trẻ.

vai dong bac le anh 2

Cây cỏ gấu gắn liền với bao kỉ niệm khó quên của tuổi thơ. Ảnh: Caythuoc.org.

Chiều thứ bảy, cả bọn hăm hở ra bờ sông nhổ cỏ gấu. Vốn là đứa cẩn thận, cái Hiền còn mang cả một chai nước đun sôi để nguội và gói bánh quy Hải Châu để cả nhỡ đói còn có cái ăn. Thấy bão sông bạt ngàn cỏ gấu, cả lũ  mừng ra mặt. Trong đầu chúng tôi hiện ra cái viễn cảnh xa xôi, rằng cả ba đứa sẽ nhổ trụi cỏ gấu ở bờ sông. Đến lúc đó thì số tiền mà cả nhóm kiếm được chắc phải bằng tiền mừng tuổi của ba cái Tết cộng lại.

Mơ mộng và thực tế luôn xa nhau vạn dặm. Nhất là mơ mộng của mấy đứa nhóc vắt mũi chưa sạch, chưa biết thế nào là khổ. Nhổ được nửa bao cỏ gấu, đứa nào cũng kêu đau lưng. Mệt thì phải nghỉ ngơi chứ! Thế là chúng tôi hăm hở bóc gói bánh quy ra ăn. Cái Hiền nghe mấy đứa bạn ở xã bên nói phải nhổ được ba bao mới được độ một cân củ gấu khô. Nghĩ đến tiền, nên cả đám động viên nhau đứng dậy.

 Nắng tắt, đứa nào cũng mệt nhoài. Đang hăm hở làm việc thì thằng Duy la oai oái. Chúng tôi hoảng hồn nhìn nó nhảy tưng tưng rồi lăn lộn trên bãi sông. Hóa ra thằng bé tội nghiệp vừa đạp trúng tổ kiến lửa. Khi tôi và Hiền chạy lại thì hai chân nó bị kiến bu chi chít, sưng phồng lên như người bị ong đốt.

Đến chiều tối, cả ba đứa mới lê lết về nhà. Đi được ba bước, thằng Duy lại đưa chân lên gãi. Nó cứ than thở bị nhức và ngứa, nhưng chúng tôi chẳng biết làm sao, đành im re nghe nó kêu ca mà không buông lời trêu chọc như mọi khi. Vừa bước chân vào cổng, tôi đã bị mẹ mắng vì la cà ở đâu cả buổi, chẳng để ý đến nhà cửa, lợn gà.

 Nhìn thấy bao tải đầy cỏ gấu, mẹ càng bực hơn, suýt chút nữa tôi lại được ăn bữa “cháo lươn” ê hết cả mông. Chẳng hiểu sao hôm ấy bố lại bênh tôi. Bố nhẹ nhàng bảo: “Cứ để con nó lăn lộn kiếm đồng tiền, nó mới biết làm ra cắc bạc phải tốn bao nhiêu mồ hôi”. Nghe thấy thế, mẹ vứt roi ngay đầu hè, sầm sập đi vào trong nhà.

vai dong bac le anh 3

Tôi và các bạn đã có một tuổi thơ thật hồn nhiên, êm đềm. Ảnh: Newsvienvong.com

Sáng hôm sau, cả bọn hẹn nhau đi đốt cỏ gấu. Nhìn mặt hai đứa bạn, tôi biết tình hình của chúng tối qua cũng chẳng khá hơn tôi là mấy. Nhưng nghĩ đến việc sắp kiếm được tiền, đứa nào cũng hăm hở. Trong lúc đốt củ gấu, không may tôi để lửa bén vào tóc. Thấy tóc tôi cháy két lẹt, hai đứa kia hoảng lắm. Cái Hiền cuống quá, lấy ngay cái chổi rơm to, đập tới tấp vào người tôi để dập lửa.

Khi ba đứa đã “hoàn hồn” cái Hiền thỏ thẻ nói với tôi. Lúc ấy cô bạn chỉ sợ tôi bốc cháy như cây đuốc mà cả bọn từng thấy trên phim. Tóc của tôi dài và mượt thế kia mà bị cháy trụi hết thì tiếc lắm! Lúc ấy tôi cười đến đau cả ruột, bây giờ nghĩ lại chỉ thấy thương. Cô bạn nhỏ bao năm vẫn thế, luôn lo lắng cho người khác nhiều hơn tự thương chính mình.

Sau ba ngày vất vả với đống cỏ gấu to ngang đống rơm, chúng tôi hùng dũng mang thành phẩm tới hàng thuốc bắc của ông lang ở gần ngõ chợ. Hai mươi nghìn, đó là số tiền đầu tiên cả ba cùng kiếm được. Cả bọn nhất trí giữ lại 3 tờ 500 đồng màu đỏ, màu của may mắn để làm kỷ niệm. Số tiền nhỏ nhoi đó đã dạy chúng tôi rằng: Chỉ cần có một trái tim dũng cảm và lòng quyết tâm, mọi khó khăn đều là chuyện nhỏ.

Những buổi tối đi xem sân khấu

Những buổi tối đi xem sân khấu cùng bà là những ký ức đẹp đẽ nhất tuổi thơ của tôi.

Chăn con công và thương nhớ xa xôi

Đôi lúc, muốn nhắm mắt lại để mơ về những hình ảnh thân thương chỉ còn trong ký ức. Khi ta là đứa bé con, nằm cuộn tròn trong cái chăn nặng trịch, hít hà mùi trầu của bà.

Chiếc tivi đen trắng, chuyện đi xem nhờ và những ký ức đọng lại

Khoảng năm 1991, Truyền hình Việt Nam lần đầu tiên phát sóng phim "Tây du ký" nhưng chỉ đến tập 9 thì đột ngột ngừng phát. Điều này khiến cho không ít người cảm thấy hụt hẫng.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm