Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vạch trần toan tính của Trung Quốc ở biển Đông

Việc đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được Trung Quốc toan tính kỹ lưỡng trong thời gian dài cho mục tiêu độc chiếm biển Đông.

Không để Mỹ và đồng minh khống chế an ninh năng lượng

Thực tế khả năng triển khai một giàn khoan đã được dự đoán trước từ năm 1992 khi Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác bất hợp pháp với Crestone (Mỹ) trên một vùng biển rộng 125.000 km2.

Đây là khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc khi đó đã viện cớ bãi Vạn An Bắc thuộc chủ quyền Trung Quốc nhưng nằm trên thềm lục địa nước khác. Khả năng này ngày càng trở nên hiện hữu khi giàn khoan 981 được đóng xong vào năm 2011 và khoan thử đầu tiên vào tháng 5/2012.

Ngay tháng 6/2012, CNOOC gọi thầu phi pháp chín lô dầu khí gần bờ biển miền Trung Việt Nam. Ý đồ Trung Quốc không thay đổi khi muốn độc tôn biển Đông, tiến tới chia sẻ Thái Bình Dương với Mỹ.

Biển Đông với vị trí địa chiến lược nối hai đại dương, với tài nguyên dầu khí, băng cháy và cá không tránh khỏi là điểm nóng trong ván bài giữa hai siêu cường.



Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chỉ riêng số lượng tàu chở dầu quốc tế đi qua biển Đông đã chiếm hơn một nửa của thế giới, gấp ba lần số qua kênh đào Suyez, năm lần qua kênh đào Panama. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu khí thứ hai thế giới và dầu chủ yếu được vận chuyển qua Thái Bình Dương, qua tuyến hàng hải quan trọng ở biển Đông, không thể để an ninh năng lượng của mình bị Mỹ và đồng minh khống chế. Chiến lược an ninh biển của Trung Quốc muốn thành công còn phải có sân sau là biển Đông (lợi ích cốt lõi) để tránh khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc ở biển Hoa Đông.

Chiến lược này mâu thuẫn giữa mục tiêu chiếm đoạt, tranh chấp chủ quyền với nhu cầu có môi trường “trỗi dậy hòa bình”.

Để xoa dịu mâu thuẫn đó, Trung Quốc đưa ra sự kết hợp yêu sách đường lưỡi bò phi lý mà thế giới đều lên án với chủ thuyết “Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”.

Các hoạt động trên biển của Trung Quốc những năm gần đây đều tuân thủ chiến lược cứng rắn không đối đầu với Mỹ, nhưng cứng rắn có chọn lọc với láng giềng, khiêu khích đủ để đạt mục đích ngắn hạn mà không vượt qua làn ranh đỏ chiến tranh. Duy trì đường lưỡi bò để có cơ sở đưa vấn đề gác tranh chấp cùng khai thác. Các phương tiện hiện đại nhất của Trung Quốc đều thử nghiệm đầu tiên tại biển Đông, từ tàu sân bay Liêu Ninh đến giàn khoan di động 981 hay tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân.

Đích nhắm của Hải Dương 981 tiếp theo sẽ là Tư Chính, là chín lô dầu khí ven bờ miền Trung Việt Nam mà CNOOC gọi thầu bất hợp pháp, là Bãi Cỏ Rong, Bãi Cỏ Mây, bãi ngầm Tăng Mẫu, bất cứ nơi đâu trong phạm vi đường lưỡi bò nhưng ưu tiên các vùng biển ven bờ các nước nơi khả năng khai thác dầu khí thương mại đã được khẳng định.

Một quyết định địa chính trị

Việc triển khai giàn khoan ngay sau chuyến đi của Tổng thống Obama được cho là phản ứng gay gắt của Trung Quốc với chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ nhưng để chuẩn bị triển khai giàn khoan và lực lượng tàu hộ tống hùng hậu không chỉ trong hai ngày. Phản ứng của Mỹ đối với việc sát nhập Crưm của Nga càng củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc. Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama chỉ là chất xúc tác, còn việc triển khai đã được quyết định, nằm trong lộ trình lâu dài thâu tóm biển Đông và không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ còn là thời điểm thích hợp. Đây là một quyết định địa chính trị chứ không phải đơn thuần kinh tế khi đưa giàn khoan 1 tỷ USD đến vùng biển ít có khả năng thu lợi ích cao.

Ngoài lý do chính trên, những lý do khác cũng có thể tác động đến quyết định này. Đó là chiêu thức lấy vấn đề đối ngoại để xoa dịu, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ khi các cuộc bạo động liên tục nổ ra tại Quảng Châu, Vân Nam. Đó là sự thúc ép của các tướng lĩnh quân sự chưa hài lòng với ngân sách quân sự tăng đáng kể trong những năm gần đây. Dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2014 lên đến 131,5 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm ngoái. Đó là sức ép của các công ty dầu khí muốn mở rộng hoạt động vào những vùng biển có khả năng dầu thương mại gần bờ của các quốc gia khác. Đó là sự đe nẹt các nước trong khu vực mà trước hết là Việt Nam để không đi theo tấm gương của Philippines đưa các tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Hải Dương 981 bề ngoài là xung đột Việt - Trung nhưng thực chất là một bước thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm các nước đồng minh, các vệ tinh trong biển Đông, tiến tới kiểm soát biển Đông.

Trung Quốc thất thế chính trị

Thứ nhất, điều Bắc Kinh không muốn nhất là quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Cách cư xử hung hăng, gây hấn, coi thường luật pháp, gây mất ổn định khu vực của Bắc Kinh làm cả thế giới lo ngại.

Thứ hai, trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức mạnh đoàn kết của cả khối trong việc đồng thuận đưa tình hình biển Đông vào các văn kiện của Hội nghị cấp cao tháng 5/2014.

Thứ ba, Bắc Kinh phản ứng với chính sách xoay trục châu Á của Mỹ nhưng hành động vừa qua lại càng làm cho các nước trong khu vực nghi ngại, tăng cường liên kết với Mỹ và các đồng minh. Những gì Trung Quốc đã dày công đầu tư như “trỗi dậy hòa bình”, “tấn công bằng thiện cảm” phút chốc xóa sạch bằng hình bóng đe dọa của tàu hải quân và hiểm họa Trung Quốc tại Đông Á và Đông Nam Á.

Thứ tư, Bắc Kinh muốn lấy ngoài xoa trong nhưng sự mất ổn định khu vực và nghi ngại của các nước với ý đồ thật sự của Bắc Kinh đã làm xói mòn môi trường quốc tế cho những nỗ lực tăng trưởng kinh tế bền vững và sự ổn định trong nước Trung Hoa. Ngay trong những ngày giàn khoan trên biển, một vụ xả súng mới ở chợ Tân Cương đã buộc Trung Quốc phải ban hành chiến dịch chống khủng bố trong một năm tới. Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc không ngăn chặn được mà còn bị khoét sâu hơn.

Thứ năm, Bắc Kinh luôn đòi hỏi giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán song phương. 26 lần trong một tháng Hà Nội giao thiệp đề nghị đàm phán đã không có một sự hưởng ứng từ Trung Quốc. Rõ ràng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến lợi ích cốt lõi, bỏ qua DOC, COC, luật quốc tế. Trong quan hệ song phương, Bắc Kinh còn không muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình thì trong các vấn đề đa phương, đề nghị của Bắc Kinh chỉ còn là bánh vẽ.

Thứ sáu, Bắc Kinh muốn dồn ép Hà Nội phải bỏ Washington rơi vào quỹ đạo của mình. Động thái giàn khoan đã dồn Việt Nam vào thế chân tường, buộc phải có phản ứng nhanh, quyết đoán và cứng rắn nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng mà Công ước Luật biển mang lại. Trung Quốc dùng lực lượng tàu đông gấp 5-6 lần Việt Nam, đâm va, ngăn cản quyết liệt nhưng không buộc được các tàu Việt Nam rời bỏ vị trí mà càng làm thế giới thấy sự bắt nạt của kẻ lớn. Trung Quốc không muốn thể diện của mình bị suy giảm khi có thêm những nước khác cùng Philippines tìm đến Tòa án quốc tế thì nay Việt Nam cũng phải sử dụng mọi biện pháp tự vệ, trong đó có biện pháp pháp lý để bảo vệ mình.

Việt Nam ảnh hưởng kinh tế

Với Việt Nam, tác động của sự kiện đã làm cho thị trường chứng khoán và vàng Việt Nam chao đảo. Hai cú sốc ngày 8 và 15/5 đã đạt mức kỷ lục của thị trường chứng khoán non trẻ Việt Nam, làm hàng chục ngàn tỷ đồng bốc hơi, thậm chí trong 11 phút của ngày 15/5/2014. Giá vàng tăng vọt làm người dân bấn loạn. Đây là hệ quả trực tiếp của tình hình biển Đông đang nóng lên và các sự kiện xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trong các ngày 13 và 14/5/2014. Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được sơ tán về nước. Khoảng 60.000 người lao động Bình Dương bị ảnh hưởng. Hàng loạt các chuyến bay và các tour du lịch của người Trung Quốc bị đình hoãn.

Tuy vậy, tổng lượng vốn FDI cả các dự án cấp mới và tăng thêm tính đến ngày 20/5/2014 đạt hơn 5,5 tỷ đô la Mỹ, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Bão ở đất liền do dư chấn biển Đông đã may mắn được chặn đứng bởi sự điều hành kiên quyết, kịp thời của Chính phủ Việt Nam ổn định tình hình và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Sự kiện Hải Dương 981 là cơ hội để Việt Nam xem xét lại chính sách kinh tế của mình, điều chỉnh để bớt phụ thuộc Trung Quốc.

Giải pháp cho xung đột

Các cuộc xung đột quốc tế thường có một kết thúc dựa trên tương quan lực lượng và kết quả tổng hợp trong năm lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế và truyền thông. Xét quy mô kinh tế, lực lượng quân sự, bộ máy truyền thông Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc. Tuy nhiên một nước nhỏ nếu biết sử dụng tổng hợp sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ quốc tế luôn là đối thủ khó chịu cho các nước lớn. Thực tế cho thấy nhiều nước lớn từng lao đao vì các cuộc chiến trực tiếp với các nước nhỏ. Trung Quốc không phải ngoại lệ, nhất là với một dân tộc như Việt Nam ngoan cường, hiểu biết rõ đối phương và sẵn sàng hy sinh.

Chiến tranh sẽ làm cho “giấc mơ Trung Hoa” khó thực hiện và tạo điều kiện cho sự can dự của các bên thứ ba. Địa thế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những cuộc tấn công chia cắt chớp nhoáng nhưng lại là một “tàu sân bay không bao giờ chìm” án ngữ hầu hết chiều dài tuyến vận chuyển năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc. Áp dụng chiến tranh du kích trên biển, lấy ít địch nhiều, trường kỳ kháng chiến vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên biện pháp quân sự chỉ là cuối cùng khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Trung Quốc cũng hiểu rõ bước phiêu lưu vượt qua làn ranh đỏ chiến tranh nên khả năng một cuộc chiến lớn khó nổ ra. Song một hành động quân sự chớp nhoáng, hạn chế nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn tiềm ẩn.

Trên thực địa, chiến thuật “chuột vờn mèo” của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã làm phía Trung Quốc tiêu tốn hàng triệu đô la mỗi ngày cho việc duy trì giàn khoan và hơn 130 tàu hộ tống. Công tác tuyên truyền trong và ngoài nước và những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả sẽ giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các quyền lợi chính đáng của một nước ven biển và những hành động không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh tổng hợp thực địa, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, truyền thông và tương quan chính trị sẽ buộc Hải Dương 981 phải dịch chuyển. Sau Hải Dương 981, cuộc đấu tranh trên biển Đông vẫn trường kỳ.

http://www.vietnamplus.vn/gian-khoan-hai-duong981-toan-tinh-va-he-qua-tren-bien-dong-2/264269.vnp

Theo Việt Long/VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm