Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc leo thang gây hấn như thế nào trên Biển Đông?

4 năm qua, trước mỗi kỳ đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đều có những hành động mang tính chất gây hấn từng bước một khiến cho tình hình Biển Đông đặc biệt nguy hiểm.

Nếu như chỉ nhìn vào những tuyên bố của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, sẽ không thể nhìn thấy hết được ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc đã cùng với ASEAN ký kết tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cam kết cùng ASEAN xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc cũng có một loạt các tuyên bố song phương với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó đều nói rõ các bên đều không được có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. 

Thế nhưng, trên thực tế những gì diễn ra tại Biển Đông từ năm 2009, thời điểm Trung Quốc chính thức đưa cái gọi là tuyên bố đường đứt đoạn lên Liên Hợp Quốc lại cho thấy thực tế khác hẳn so với những gì mà nước này từng tuyên bố.

Bản đồ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong 4 năm liên tiếp.
Bản đồ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong 4 năm liên tiếp.

Tấm bản đồ thống kê các vụ gây hấn thậm chí là đụng độ trên biển này đều do Trung Quốc đơn phương tiến hành và vị trí thể hiện các sự vụ cho thấy Trung Quốc gây hấn với tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Vị trí các điểm gây hấn cũng nằm trọn trong đường đứt đoạn mà Trung Quốc đã tuyên bố đơn phương. 

Những vụ gây hấn khiêu khích thậm chí là đụng độ trên Biển Đông diễn ra với nhiều cấp độ khác nhau nhưng nó đều cho thấy thực tế là Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông và quyết tâm thay đổi thực trạng trên Biển Đông.

Các vụ việc điển hình mà Trung Quốc đã gây hấn với các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông kể từ năm 2009 cho đến nay. Và theo quan sát của nhiều chuyên gia dường như cứ trước mỗi kỳ đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đều có những hành động mang tính chất gây hấn. Từng bước một những hành động này đã khiến cho tình hình Biển Đông trở nên đặc biệt nguy hiểm. 

Cụ thể những hành động gây hấn trên Biển Đông là: “5 giờ 58 phút ngày 26/5/2011 trước khi kỳ đối thoại Shangri-La năm 2011 diễn ra 10 ngày, ba tàu hải giám Trung Quốc đã tiến sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Binh Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý.

Tình hình thậm chí căng thẳng hơn trước thềm đối thoại Shangri-La 2012. Tháng 4/2012, Trung Quốc đã phá vỡ hiện trường tại bãi cạn Scarbough hay còn gọi là bãi Hoàng Nham (lúc đó đang trong quyền kiểm soát của Philippines). Không chỉ dừng lại ở việc dằn mặt và đe dọa, Trung Quốc đã lấn chiếm một bước táo tợn và liều lĩnh hơn đó là chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarbough bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra chiếm đóng.

Ngày 20/03/2013, trước thềm đối thoại Shangri-La 2013 khoảng một tháng rưỡi, trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của ngư dân Việt Nam. Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 TS đã bị tàu TQ truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.

Gần đây nhất, trước thêm hội nghị Shangri-La 2014 một tháng, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 ở vị trí hoàn toàn nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý về phía Đông. 

Trong khi lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ trên biển thì tối ngày 26/5 tàu cá của Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 đã bị tàu cá Trung Quốc số 11209 truy đuổi và đâm chìm.

Những hành động này đã khiến dư luận thế giới căn phẫn. Sự gây hấn của Trung Quốc trong 4 năm qua đang có xu hướng mở rộng, táo tợn và liều lĩnh hơn. Điều này đã cho thấy mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và từng bước leo thang để thực hiện yêu sách đường lưỡi bò phi pháp.

vtv.vn

Theo VTV

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm