Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc gây hấn với hầu hết quốc gia ở Biển Đông

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc gây hấn với hầu hết các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Phillipines, Malaysia và cả Indonesia.

Tối 9/6, trả lời về việc Trung Quốc đơn phương gây hấn trên Biển Đông, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Biển Đông (Bộ Ngoại giao) cho biểt, Trung Quốc có các biện pháp để thực thi yêu sách chủ quyền của mình một cách có hệ thống và có sự chỉ đạo một cách nhất quán từ cấp cao nhất. Đặc biệt, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ từ nhiều lĩnh vực. 

Thứ nhất, các biện pháp hành chính là việc thành lập thành phố Tam Sa hay biện pháp về quân sự như thành lập các đơn vị quân đồn trú ở Tam Sa một cách trái phép. Đồng thời, phía Trung Quốc đồng loạt triển khai hàng loạt các cơ quan thực thi pháp luật ở Biển Đông, cho đóng mới rất nhiều tàu thuyền và tiến hành cái gọi là tuần tra ở biển Đông thường xuyên. 

"Như vậy, có thể thấy các biện pháp của Trung Quốc hoàn toàn có hệ thống, có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất. Một số học giả đánh giá mục tiêu thực sự của Trung Quốc là biến mình thành một cường quốc biển. Đặc biệt vào năm 2020 khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng thì Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông”, ông Sơn nói.

Đây cũng là nhận định chung của nhiều học giả uy tín trên thế giới khi nghiên cứu tình hình Biển Đông. Họ đều cho rằng sự việc giàn khoan Hải Dương 981 là một dấu mốc mới trong quá trình thực hiện mưu đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Hành động này nhằm gửi tới thế giới một thông điệp đầy khiêu khích của giới lãnh đạo Trung Quốc đó là họ sẽ đơn phương khẳng định chủ quyền đối với hầu hết diện tích ở biển Đông.

Chiến lược này của Bắc Kinh được chia làm hai phần. Một mặt, Bắc Kinh tăng cường xây dựng lực lượng giám sát biển trong khu vực, củng cố khả năng đánh chiếm của các lực lượng này. Mặt khác, các tàu thuyền của Trung Quốc cũng gia tăng tần suất hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với đường chín đoạn và khiêu khích các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này. Theo học giả này, từ khi công bố bản đồ đường chín đoàn, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể quy mô hạm đội hàng hải của mình.

Học giả Hà Anh Tuấn, Đại học quan hệ quốc tế Australia cho biết, Bắc Kinh gần đây thực hiện hàng loạt các hành động nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Ví dụ, từ năm 2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động thăm dò sâu xuống phía Nam vẽ các lô dầu khí để kêu gọi thầu quốc tế ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu thuyền để chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. Và mới đây nhất, Trung Quốc cho đặt hạ giàn khoa khổng lồ trong vùng biển Việt Nam. Học giả này nhận định tình hình vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Còn học giả Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson cho rằng, Trung Quốc từng bước tăng dần các hành động khẳng định chủ quyền tại Biển Đông bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các hành động nhằm thực hiện hóa tham vọng của họ.

TS. Nguyễn Hùng Sơn cũng cho biết, nếu nhìn từ bản đồ tranh chấp tại Biển Đông có thể thấy Trung Quốc gây hấn với hầu hết các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như: Việt Nam, Phillipines, Malaysia. Đặc biệt là Indonesia nằm rất xa so với đảo Hải Nam. 

Ông Sơn nhận định, không chỉ số lượng các vụ việc gây hấn của Trung Quốc diễn ra tại các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà mức độ nghiêm trọng ngày một tăng lên. Hơn nữa, phạm vi xảy ra ngày càng tiến xa xuống phía nam gần bờ biển của các nước liên quan với mức độ quân sự hóa ngày càng cao. 

Trung Quốc ngày càng sử dụng các lực lượng quân sự và bán quân sự vào vụ việc như vậy. Một điều hết sức quan trọng đó là mức độ vi phạm luật pháp quốc tế của các vụ việc mà Trung Quốc gây ra ngày càng tăng lên. Tức là có sự coi thường ngày càng cao đối với hiệu lực của luật pháp quốc tế.

Nhiều học giả, nhà quan sát quốc tế đều bỏ tỏ quan ngại về hành vi ứng xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Người ta cho rằng hiện nay là kỷ nguyên của biển cả, vì vậy tất cả các quốc gia đều phải dựa vào công ước luật biển quốc tế để đảm bảo một trật sự, một sự ổn định trên biển. Ấy vậy mà Trung Quốc đã hành xử một cách thiếu cơ sở pháp lý như vậy. Người ta đặt vấn đề rằng, vậy các nguyên tắc rất cơ bản để giữ trật tự đó ở trên biển cũng như trật tự ở trên toàn cầu liệu có còn đươc bảo đảm hay không? Vì vậy, người ta đang rất lo ngại nếu với cách hành xử của Trung Quốc thì tự do an toàn hàng hải sẽ bị xâm phạm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến trật tự thế giới.

vtv.vn

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm