Ngày 11/8, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Murashko công bố các kết quả mới nhất cho thấy vaccine Sputnik V "đạt hiệu quả khoảng 83%" trước biến chủng Delta.
Trước đó, nhà phát triển loại vaccine này từng cho biết Sputnik V có thể ngăn chặn biến chủng nguy hiểm nhất ở thời điểm hiện tại của virus SARS-CoV-2 với độ hiệu quả lên đến 90%, theo Reuters.
Với sự bùng phát của biến chủng Delta (xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ), Nga đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh trong suốt tháng 6 và tháng 7. Trong khi đó, một bộ phận người Nga vẫn còn tâm lý do dự đối với việc tiêm vaccine Covid-19.
Đến nay, Nga đã có tổng cộng gần 6,5 triệu ca mắc Covid-19 tính từ đầu đại dịch.
Ông Mikhail Murashko, Bộ trưởng Y tế Nga. Ảnh: TASS. |
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Học viện Gamaleya - tổ chức phát triển vaccine Sputnik V, hồi tháng 6 từng khẳng định rằng loại vaccine này an toàn và có hiệu quả trước tất cả chủng virus SARS-CoV-2, theo Izvestia.
Với dân số khoảng 144 triệu, Nga đã phê duyệt 4 loại vaccine sản xuất trong nước.
Đầu tháng 8, Reuters dẫn lời ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) - cơ quan phân phối Sputnik V, cho biết đã "đề xuất và luôn muốn thực hiện" sự kết hợp giữa Sputnik V và các loại vaccine khác.
“Sputnik V là loại vaccine kết hợp đầu tiên. Hai liều vaccine khác biệt hoạt động tốt hơn những liều vaccine cùng loại”, ông Dmitriev khẳng định.
Theo Our World in Data, đến ngày 9/8, Nga đã tiêm liều vaccine đầu tiên cho 38,6 triệu người (26,7% dân số), số người hoàn thành chương trình tiêm chủng là 27,7 triệu (19,2%).