Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người duy nhất tham gia hội nghị qua trực tuyến, kêu gọi các thành viên G20 "hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước đang phát triển”, theo Nikkei Asia.
“Cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 450 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia có năng lực không áp đặt các hạn chế xuất khẩu và tích trữ quá mức, và thực hiện vai trò của họ trong việc thu hẹp khoảng cách tiêm chủng”, ông Vương nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng nêu bật những đóng góp của Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng toàn cầu, bao gồm chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ.
Dù vậy, thế giới vẫn thiếu vaccine trầm trọng. Cho đến nay, khoảng 3 tỷ liều vaccine đã được triển khai trên toàn thế giới, nhưng con số cụ thể ở từng khu vực có sự khác biệt lớn. Tại châu Phi, cứ 100 người thì chỉ có khoảng 4 liều vaccine được sử dụng, trong khi con số này ở Mỹ là 97 và ở châu Âu là 66, theo Our World in Data.
Hội nghị các nước thuộc nhóm G20 diễn ra tại Matera, Italy, ngày 29/6. Ảnh: Reuters. |
Italy tập trung vào chủ đề đa phương và quản trị toàn cầu, đặt phát triển bền vững và phục hồi sau đại dịch lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế là những cách hiệu quả duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, Ngoại trưởng Luigi Di Maio nói trong bài phát biểu khai mạc.
Biến đổi khí hậu cũng là chủ đề được quan tâm. Một số thành viên G20, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050, dù nhu cầu về điện than giá rẻ vẫn còn cao ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra áp lực lơn cho Trung Quốc, quốc gia tạo ra khoảng 30% lượng khí thải toàn cầu.
An ninh lương thực lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu G20. Trong bối cảnh hạn hạn gây ra nạn đói ở một số nước đang phát triển, xuất khẩu lương thực bị hạn chế. Đại diện các nước đã ra tuyên bố chung về giải quyết nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, cuộc họp nhấn mạnh đến việc hỗ trợ châu Phi trong phát triển nông nghiệp và trao quyền cho phụ nữ.
Hội nghị các nước G20 diễn ra vào 29/6 tại Matera, Italy là hội nghị gặp mặt trực tiếp cấp ngoại trưởng đầu tiên sau gần 2 năm. Tuy nhiên, Nga chỉ cử một thứ trưởng tham dự, trong khi Trung Quốc tham dự trực tuyến.