Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya của Nga, cơ quan phát triển vaccine Sputnik V, cho biết thông tin trên hôm 5/9.
Thông tin được đưa ra cùng ngày với đăng tải trên tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet xác nhận tất cả bệnh nhân được tiêm vaccine Sputnik V đều sản sinh kháng thể mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Tạp chí y khoa lâu đời và uy tín của Anh cũng xác nhận Sputnik V tạo ra kháng thể ngay từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở tất cả 76 người tham gia.
“Phản ứng miễn dịch của vaccine được ghi nhận ở các tình nguyện viên là đủ để chống lại bất kỳ cấp độ lây nhiễm Covid-19 nào mà bạn có thể tưởng tượng”, ông Gintsburg nói.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ chia cấp độ lây nhiễm Covid-19 như sau: Cấp độ 3 (rủi ro cao), Cấp độ 2 (rủi ro trung bình), Cấp độ 1 (rủi ro thấp) và rủi ro rất thấp.
Vaccine Covid-19. Ảnh: Getty. |
Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin tiết lộ rằng các thử nghiệm lâm sàng bổ sung được thực hiện sau khi đăng ký Sputnik V có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Ông Sobyanin cũng cho biết tiêm chủng đại trà có thể được triển khai vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
“Một số lô hàng sẽ có sớm nhất là trong năm nay”, thị trưởng Moscow nói với kênh Rossiya 1 hôm 5/9.
“Nhiều khả năng vaccine sẽ được tiêm chủng trước trong các lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như y tế, giáo dục, thương mại, các cơ quan công quyền và một số lĩnh vực khác, có thể là báo chí”.
Tháng trước, Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 tên Sputnik V, do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển. Vaccine này đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng vào tháng 6 và tháng 7.
Theo Bộ Y tế Nga, vaccine Sputnik V có khả năng cung cấp miễn dịch lên đến hai năm.