Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uy quyền của hai nhà đàm phán Triều Tiên

Một trong hai quan chức của Bình Nhưỡng tham gia đàm phán với Hàn Quốc cuối tuần này (22 và 23/8) chính là phó tướng thân cận nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Ông Hwang Pyong So (trái) và ông Kim Yang Gon là hai quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đến đàm phán cùng đoàn Hàn Quốc trong ngày 22 và 23/8. Ảnh: Yonhap
Ông Hwang Pyong So (trái) và ông Kim Yang Gon là hai quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đến đàm phán cùng đoàn Hàn Quốc trong ngày 22 và 23/8. Ảnh: Yonhap

Sau khi hai nước đấu pháo ở biên giới ngày 20/8, Hội đồng An ninh của Tổng thống Hàn Quốc đề nghị đích danh ông Hwang Pyong So phải là thành viên trong đoàn đàm phán của Triều Tiên, theo báo Korea Times

Seoul muốn sự hiện diện của một quan chức quân sự có thẩm quyền ở Bình Nhưỡng để trao đổi về các "hành vi khiêu khích" của nước này. Đáp ứng đề nghị của Seoul, Bình Nhưỡng đã cử ông Hwang Pyong So, quan chức quân sự cao cấp nhất ở Triều Tiên, cùng ông Kim Yang Gon, quan chức phụ trách các vấn đề liên Triều, tham gia các cuộc đàm phán ngày 22 và 23/8. 

Giới quan sát nhận định, hai đại biểu do Triều Tiên cử đến đều là các gương mặt quan trọng trong bộ máy quyền lực của nước này. Cuối tháng 4/2014, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên thăng cấp cho ông Hwang trở thành phó nguyên soái quân đội, mang hàm tướng 4 sao. Một số nguồn tin cho hay ông Hwang cũng tham gia vụ Triều Tiên xử tử ông Jang Song Thaek, chú dượng của Kim Jong Un. 

Từ tháng 4/2015, ông Hwang trở thành ủy viên Bộ chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên. Vị trí này kết hợp với chức vụ cấp cao trong quân đội khiến ông trở thành phó tổng tư lệnh ở Triều Tiên, chỉ dưới quyền ông Kim Jong Un. Ông cũng thường xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên trong nhiều sự kiện.

Giáo sư David Kang (Viện Nghiên cứu Triều Tiên, Đại học Nam California), cho biết sự hiện diện của tướng Hwang tại cuộc đàm phán cuối tuần này rất quan trọng. "Ông ấy có thẩm quyền phát ngôn thay mặt Kim Jong Un. Ông ấy thân cận và hiểu rõ quan điểm của nhà lãnh đạo Triều Tiên để đưa ra giải pháp tháo gỡ vấn đề", giáo sư Kang nói với CNN ngày 22/8.

Trong khi đó, ông Kim Yang Gon là người đứng đầu Ủy ban Mặt trận thống nhất Triều Tiên. Đây là cơ quan có chức năng tương tự Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Ông cũng từng là nhân vật tích cực trong việc tổ chức hội nghị cấp cao liên Triều năm 2007. Cố lãnh đạo hai nước là Tổng thống Roh Moo Hyun và ông Kim Jong Il đã tham gia sự kiện quan trọng này.

Theo giáo sư Kang, việc ông Kim Yang Gon cũng đến thương thảo với đoàn Hàn Quốc cho thấy "Bình Nhưỡng thực sự muốn đàm phán nghiêm túc về nhiều vấn đề".

Báo Korea Times cho biết, ông Hwang và ông Kim Yang Gon đã đến Hàn Quốc để thăm đội tuyển Triều Tiên thi đấu tại Á Vận hội Incehon hồi tháng 10/2014. Giới quan sát từng kỳ vọng sự xuất hiện bất ngờ của hai quan chức cấp cao từ Bình Nhưỡng sẽ tạo nên bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai miền. Tuy nhiên, những diễn biến về sau không theo chiều hướng tích cực như mong đợi.

Triều Tiên điều động tàu ngầm dù đang đàm phán

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/8 cho biết 50 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ để tập trận khi quan chức hai miền nối lại đàm phán.

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ đi tới đâu?

Triều Tiên sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nhằm buộc Hàn Quốc quay lại bàn đàm phán. Đây là điều mà các biện pháp ngoại giao không thể thực hiện.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm