Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra ở khu vực biên giới ngày 23/8. Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia so sánh cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong hai ngày cuối tuần như "chạy đua maraton" nhằm đạt giải pháp thu hẹp bất đồng và xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc họp đầu tiên kết thúc ngày 22/8 mà không đạt kết quả.
Chính quyền hai nước không công bố những nội dung chi tiết đã được thảo luận. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vấn đề xoay quanh việc Seoul muốn Bình Nhưỡng xin lỗi về việc đặt mìn ở khu phi quân sự và bắn pháo về các dàn loa đặt tại biên giới. Trong khi đó, Triều Tiên kiên quyết yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt hành động tuyên truyền bằng loa ở biên giới.
Ông Jeon Young Son, giáo sư Viện Thống nhất Nhân văn (Đại học Konkuk, Seoul) cho rằng cuộc họp lần này có thể kéo dài hơn so với những lần đàm phán trước đây. "Cả hai bên đều đang chịu sức ép phải đạt được thỏa thuận để giải quyết tình hình hiện nay. Hàn Quốc không thể hành động (theo yêu cầu của Triều Tiên) mà không đạt kết quả gì", ông Jeon nói với AFP.
Ông Evans Revere, giám đốc tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge (do cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright làm chủ tịch) nhận xét Hàn Quốc bước vào cuộc đàm phán với quan điểm cứng rắn. "Seoul đã tỏ rõ rằng họ sẽ không khoan nhượng bất kỳ hành vi hung hăng nào của Bình Nhưỡng. Do vậy, họ sẽ kiên quyết yêu cầu lời xin lỗi".
Còn nhà phân tích Ken Gause cho rằng, cơ hội đạt thỏa thuận không cao nếu Hàn Quốc một mực muốn được xin lỗi.
"Trước đây, Hàn Quốc đã yêu cầu Triều Tiên nhận lỗi trong vụ tàu chiến Cheonan bị đánh chìm (năm 2010). Bình Nhưỡng luôn một mực phủ nhận sự liên quan, vì hành động này hiển nhiên sẽ tạo cơ hội để chính quyền và lãnh đạo của họ bị quốc tế lên án. Do vậy, họ không thể thừa nhận hoặc xin lỗi", ông Gause nói với báo Korea Herald.
Cuộc đàm phán có thể bế tắc nếu hai bên khăng khăng bám vào yêu cầu của mỗi nước. Ảnh: AFP |
Cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu?
Nhìn từ quan điểm rộng hơn, ông Gause cho rằng ưu tiên của Bình Nhưỡng là phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ liên Triều hiện tại. "Chiến lược 'bên miệng hố chiến tranh' được Triều Tiên sử dụng nhằm buộc Hàn Quốc quay lại bàn đàm phán, điều mà các biện pháp ngoại giao không thể thực hiện", ông Gause phân tích.
Ông Revere không tin rằng Bình Nhưỡng sẽ thực sự xin lỗi. "Họ sẽ thể hiện bằng nhiều hình thức để tỏ ý không tiếp tục gây hấn. Triều Tiên cũng nhận thức rằng nước này sẽ gánh thiệt hại nếu xung đột quân sự xảy ra".
Giới quan sát nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ không muốn đẩy căng thẳng leo thang vượt ngoài kiểm soát, nhưng ông có thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cứng rắn để buộc Hàn Quốc phải vào cuộc.
Nhiều ý kiến cho rằng tình hình tiếp tục căng thẳng trong những ngày tới, tuy nhiên khả năng chiến tranh xảy ra rất thấp. "Bình Nhưỡng luôn tính toán rất kỹ khi đưa ra phản ứng, và chúng thường ẩn chứa những thông điệp cụ thể. Họ có thể di chuyển binh sĩ rầm rộ đến vùng biên giới, rồi lại lui quân. Đây chỉ là những biện pháp khiêu khích", KJ Won, một nhà quan sát Triều Tiên, nói với CNN.