Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên điều động tàu ngầm dù đang đàm phán

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/8 cho biết 50 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ để tập trận khi quan chức hai miền nối lại đàm phán.

  •  

    Ngày 22/8, ông Min Kyung Wook, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, thông báo rằng cuộc họp thứ nhất diễn ra từ 18h30 hôm 22/8 tới 4h15 hôm 23/8 tại làng Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự giữa hai nước.

    "Trong cuộc đàm phán, cả hai bên thảo luận những biện pháp nhằm giải quyết tình hình hiện tại và phát triển quan hệ liên Triều", ông Min nói.

    Sau khi xem xét quan điểm của nhau, hai bên nhất trí gặp lần thứ hai vào chiều 23/8 để thu hẹp bất đồng.

  • Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này và Triều Tiên vừa tiếp tục hội đàm lúc 15h để tìm cách giải quyết các bất đồng trong bối cảnh căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

  • Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên bắt tay trước khi đàm phán tại làng Bàn Môn Điếm hôm 22/8. Ảnh: AP

  • Đoàn quan chức Hàn Quốc tham gia đàm phán gồm Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo, còn về phía Triều Tiên có Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon.

  • Ông Jeon Young Son, giáo sư Viện Thống nhất Nhân văn (Đại học Konkuk, Seoul) cho rằng cuộc họp lần này có thể kéo dài hơn so với những lần đàm phán trước đây. 

    "Cả hai bên đều đang chịu sức ép phải đạt được thỏa thuận để giải quyết tình hình hiện nay. Bình Nhưỡng muốn Seoul phải ngưng việc tuyên truyền bằng loa, trong khi Hàn Quốc không thể hành động như vậy mà không đạt được kết quả gì", ông Jeon nói với AFP.

  • Đoàn đàm phán Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên trong cuộc họp đầu tiên ngày 22/8. Cả hai bên tạm ngưng để "nghiên cứu quan điểm đối phương" và "tham vấn ý kiến cấp cao". Cuộc họp nối lại từ chiều ngày 23/8. Ảnh: AFP

  •  

    Trang Wall Street Journal dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng tiếp tục sử dụng những đòn tâm lý nhằm gia tăng lợi thế đàm phán. Khoảng 70% lực lượng tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ vào ngày 23/8 để tham gia "tập trận".

    Trước đó, Triều Tiên đã tăng cường gấp đôi lực lượng pháo binh ở vùng biên giới từ ngày 21/8. Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói với Reuters rằng, quân đội nước này vẫn trong tình trạng báo động cao.

  • Hãng Yonhap lưu ý, số lượng tàu ngầm mà Bình Nhưỡng điều động là lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. "Con số lần này lớn gấp 10 lần bình thường. Đây là tình huống rất nghiêm trọng", một quan chức Hàn Quốc nói.

  • Triều Tiên có khoảng 70 tàu ngầm. Ảnh minh họa: Yonhap

  • Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, việc Triều Tiên điều động tàu ngầm với số lượng lớn như vậy vào thời điểm căng thẳng hiện nay là "hành động chưa từng có tiền lệ". "Seoul và Washington đang tăng cường giám sát để sẵn sàng đưa ra hành động đáp trả".

  • Chốt canh gác quân sự ở biên giới Hàn Quốc đối diện với chốt canh gác của Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 21/8/2015. Ảnh: AFP

  • Quân đội Hàn Quốc triển khai các bệ phóng pháo đến huyện Yeoncheon gần biên giới vào ngày 22/8. Quân đội hai nước vẫn duy trì tình trạng báo động cao. Ảnh: EPA

  • So sánh tương quan sức mạnh quân sự hai miền bán đảo Triều Tiên, trang Global Security cho biết Hàn Quốc có 522.000 quân chính quy, 2.414 xe tăng và 23 tàu ngầm; trong khi Triều Tiên sở hữu 3.500 xe tăng, 72 tàu ngầm và lực lượng binh sĩ thường trực khoảng một triệu người.

  • Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Hàn Quốc, hãng thông tấn trung ương KCNA cho biết hơn một triệu thanh niên Triều Tiên đã tình nguyện gia nhập quân đội.

  • Theo KCNA, một bài báo trên tờ Rodong Sinmun nêu rõ Triều Tiên "đã chuẩn bị đầy đủ cho bất cứ loại hình chiến tranh nào mà kẻ thù lựa chọn và đã xây dựng kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất nhằm tiêu diệt kẻ thù chỉ trong một trận đánh".

  • Trao đổi với Zing.vn, Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, chuyên gia từng làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng khả năng hai bên đạt kết quả tích cực sau cuộc đàm phán ở làng Bàn Môn Điếm không cao, bởi Hàn Quốc từng tuyên bố họ chỉ dừng chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên qua hệ thống loa nếu Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ nổ mìn trong khu phi quân sự khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Giới chức Triều Tiên khẳng định họ không cài mìn.

    Mặc dù vậy, Phó giáo sư Hương dự đoán, xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra nếu đàm phán giữa hai bên thất bại. "Có thể mức độ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không giảm, thậm chí tăng, song chiến tranh sẽ không nổ ra", bà lập luận.

  • Cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra sau hơn 10 tiếng nhưng không đạt kết quả. Hàn Quốc và Triều Tiên đều không công bố nội dung thảo luận của các quan chức. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vấn đề xoay quanh việc Seoul muốn Bình Nhưỡng xin lỗi về việc đặt mìn ở khu phi quân sự và bắn pháo về các dàn loa đặt tại biên giới.

    "Nếu Hàn Quốc một mực yêu cầu xin lỗi thì tôi cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận không cao", nhà phân tích Ken Gause nói với báo Korea Herald.

  • Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về cuộc đàm phán lần 2 giữa quan chức hai miền vào ngày 23/8. Ảnh: AFP



'Căng thẳng Hàn - Triều khó giảm nhiệt sau đàm phán'

Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định với Zing.vn rằng có thể xung đột khó nổ ra song cuộc đàm phán sẽ không làm giảm căng thẳng Hàn - Triều.

Đòn chiến tranh tâm lý giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

Sử dụng loa phóng thanh hay thả bóng bay mang thông điệp sang bên kia biên giới là các cách Hàn Quốc áp dụng để đối phó với người láng giềng Triều Tiên.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm