Binh lính Hàn Quốc lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền ở khu vực phi quân sự giữa hai miền. Ảnh: Getty |
Sau một thời gian tương đối yên ắng, khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được đặt trong trạng thái báo động. Nguyên nhân của căng thẳng lần này là những chiếc loa tuyên truyền, New York Times cho hay.
Sáng 21/8, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các đơn vị quân đội sẵn sàng tấn công các loa phóng thanh gần biên giới mà Hàn Quốc dùng để truyền thông điệp trong những ngày gần đây. Ông Kim cho biết, hạn chót để Seoul dẹp dàn loa là 17h ngày 22/8, nếu không, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện “hành động quân sự mạnh mẽ”.
Trước đó, Triều Tiên nã pháo qua biên giới nhằm vào các loa phóng thanh Hàn Quốc. Seoul lập tức đáp trả bằng 10 phát pháo. Đây là vụ nã pháo nghiêm trọng đầu tiên của hai miền trong 5 năm qua.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 21/8 mặc quân phục và tới thăm quân đoàn 3 ở phía nam thủ đô Seoul. Bà Park lệnh cho quân đội “đáp trả dứt khoát” mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên, đồng thời khẳng định, chính phủ Hàn Quốc không có ý định dừng việc sử dụng các loa phóng thanh.
Giới phân tích nhận định, bầu không khí khủng hoảng giữa hai miền phản ánh mức độ lo lắng cao độ ở Bình Nhưỡng.
Cheong Seong Chang, một nhà phân tích tới từ Viện Sejong ở Hàn Quốc, nhận định, có thể giới chức Triều Tiên lo sợ loa tuyên truyền sẽ làm suy giảm tinh thần binh lính ở tiền tuyến gần biên giới. "Hành động quân sự rất có thể xảy ra nếu Hàn Quốc không dừng việc sử dụng loa phát thanh", ông Cheong nói.
Trong khi đó, phó đại diện thường trực của Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, An Myong-hun, gọi chương trình phát thanh của Hàn Quốc là đòn "chiến tranh tâm lý" và "thực chất là một hành động khơi mào chiến tranh".
Các loa tuyên truyền của Hàn Quốc liên tục phát thanh nhằm vào binh lính Triều Tiên ở khu phi quân sự cũng như các làng gần đó. Các buổi phát sóng có nội dung từ những bản tin mà người dân Triều Tiên thường không được nghe tới các bản nhạc Pop của Hàn Quốc.
Chiến thuật dùng loa phát thanh xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, khi cả hai miền triển khai chúng để làm suy giảm tinh thần của đối phương và lôi kéo binh sĩ đào ngũ.
Trước năm 2004, hai miền đều dùng rất nhiều loa để phát thông điệp tuyên truyền nhằm vào nhau cả ngày lẫn đêm. Theo Ju Seung Young, một cựu lính Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc năm 2002, dù loa của Hàn Quốc nằm cách biên giới hai nước khoảng 4,5 km, các thông điệp vẫn có thể nghe thấy rõ ràng.
Ngược lại, các đơn vị tuyên truyền của Triều Tiên sử dụng thiết bị nghèo nàn và liên tục đối mặt tình trạng thiếu điện, nên chúng không thể cạnh tranh với phía bên kia biên giới, theo AFP.
Hàn Quốc ngừng sử dụng loa phóng thanh năm 2004 khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt. Seoul không dùng chúng cho tới ngày 10/8. 6 ngày trước đó, hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương do trúng mìn tại khu phi quân sự. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đặt mìn, song phía Triều Tiên bác bỏ.
Thả bóng bay mang thông điệp
Các nhà hoạt động Hàn Quốc thường gửi thông điệp cho phía Triều Tiên qua bóng bay. Ảnh: Reuters |
Ngoài loa phóng thanh, các nhà hoạt động Hàn Quốc còn gửi thông điệp bằng tiếng quốc ngữ vào bóng bay và thả chúng tới lãnh thổ Triều Tiên, theo Atlantic. Họ cũng có thể thả những quả bóng mang đĩa DVD, USB và thậm chí chocolate nhằm khiến người dân Triều Tiên hiểu rằng, họ đang bị cô lập trước thế giới.
Hồi tháng 4, Bình Nhưỡng dọa rằng họ sẽ dội bom Hàn Quốc nếu các nhà hoạt động Hàn Quốc tiếp tục gửi tài liệu chống Triều Tiên qua đường biên giới.
"Chúng tôi sẽ dội bom Hàn Quốc nếu họ tiếp tục có những hành động khiêu khích. Sự kiên nhẫn của chúng tôi đang cạn dần", Uriminzokkiri, trang web tuyên truyền của Triều Tiên, lên tiếng sau khi các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay mang truyền đơn với nội dung lên án Bình Nhưỡng cùng nhiều DVD bộ phim hài The Interview do Mỹ sản xuất nói về âm mưu ám sát lãnh đạo Kim Jong Un.