Thông tin về chính sách tài khóa và tiền tệ để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội được đề cập trong buổi họp báo chiều 30/12 về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
Bơm thêm tiền sẽ tăng bội chi
Giải đáp băn khoăn về lo ngại gói hỗ trợ có khả năng làm tăng nợ công và bội chi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn lưu ý nợ công và bội chi rất quan trọng với an ninh tài chính mỗi quốc gia.
Theo đó, khi nền kinh tế phát triển thì dùng chính sách tài khóa - tiền tệ để điều hòa, đảm bảo không tăng nóng và tăng trưởng bền vững. Còn khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm thì phải tăng thêm nguồn lực để kích thích phát triển.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn. Ảnh: Hồng Phong. |
Ông Toàn cho rằng nếu đặt mức bội chi cao quá, dành số tiền lớn quá, mức tăng nợ công cao sẽ làm ảnh hưởng tài chính quốc gia.
“Điều hành không khéo sẽ tác động ngược trở lại. Vì tăng cung tiền sẽ đẩy lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Toàn cảnh báo đây là bài toán mỗi quốc gia đều phải đối mặt nên cần điều hành thận trọng.
Nhắc lại kết quả kinh tế - xã hội 2 năm qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhìn nhận Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, vực dậy tăng trưởng.
Theo ông Toàn, khi sử dụng gói kích thích, bơm thêm tiền vào nền kinh tế thì sẽ phải tăng bội chi, song cần tính toán ở mức độ nhất định, gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kích thích tăng trưởng và giữa ổn định cân đối vĩ mô.
5 giải pháp phục hồi kinh tế
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến lưu ý dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét tới đây cần đảm bảo linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa để có thể tối ưu hóa nguồn lực.
“Quy mô của gói chính sách tài khóa và tiền tệ phải đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, trọng tâm để giải quyết vấn đề cấp bách và tránh lãng phí nguồn lực. Các chương trình và giải pháp sẽ được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra đảm bảo được hấp thụ một cách tối đa, thực hiện trong thời gian chủ yếu là năm 2022 và 2023”, bà Yến thông tin.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến. Ảnh: Hồng Phong. |
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, khi thực hiện gói chính sách tài khóa - tiền tệ phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh thế cũng như đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, đảm bảo gắn với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Một nội dung quan trọng khác là phải huy động và quản lý được nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm.
Bà Yến đồng thời thông tin về 5 giải pháp trong gói phục hồi kinh tế trình kỳ họp Quốc hội bất thường xem xét.
Giải pháp thứ nhất là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh. Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Ba là hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bốn là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Giải pháp thứ năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cơ bản bao quát được toàn bộ lĩnh vực đời sống, trong đó xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19”, bà Yến nhấn mạnh.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV (4-11/1/2022) xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Kỳ họp cũng sẽ thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.