Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo đang chuyển hướng tiếp cận sở hữu và quyền sử dụng nhà chung cư sang vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn và có điều kiện. "Quy định này sẽ khắc phục được vấn đề phá dỡ nhà chung cư cũ", ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng cần phải làm rõ bản chất các chung cư cũ không phá dỡ, cải tạo được có phải do Luật Nhà ở cũ tách quyền sử dụng.
"Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, nên có quy định rõ ràng hơn. Nếu nhà có thời hạn sử dụng, giá nhà chung cư sẽ rẻ hơn, còn nhà vĩnh viễn giá sẽ cao hơn. Tâm lý của đa số người dân vẫn muốn có quyền sở hữu", ông nói.
Có thể tác động đến thị trường bất động sản
Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân", ông cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn, có thể dẫn đến xu hướng mua đất thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền cản trở chính sách phát triển nhà ở chung cư.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc thuộc diện bị phá dỡ. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận.
Với quy định này, ông Tùng cho biết thời hạn sở hữu nhà chung cư không được xác lập cụ thể mà phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý xây dựng khi kiểm định nhà ở chung cư ở thời điểm khác nhau. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho các bên khi mua bán nhà chung cư do không biết được tình trạng nhà chung cư khi giao kết hợp đồng để xác định thời hạn sở hữu còn lại...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi. |
Đồng thời, ông Tùng cho rằng dự thảo chưa khắc phục được khó khăn hiện nay là tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ nhưng người dân không chịu di dời do họ vẫn còn quyền sử dụng đất.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất dự thảo luật nghiên cứu phương án không bổ sung các quy định sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo luật như hiện hành.
"Quy định thời hạn sở hữu chung cư để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân"
Đồng thời ông đề xuất bổ sung một số giải pháp cụ thể liên quan đến tháo dỡ, cải tạo nhà chung cư. Theo đó, Nhà nước quy định người dân di dời ra khỏi các nhà chung cư không đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
"Đồng thời bổ sung một số quy định cụ thể về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, cưỡng chế di dời, bởi nhà chung cư thuộc diện tháo dỡ là không còn đảm bảo an toàn cho người dân", ông nói và cho rằng Nhà nước cần bổ sung quy định bồi thường, tái định cư thỏa đáng...
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng dẫn những ý kiến tán thành dự thảo luật, số khác cơ bản thống nhất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nhưng đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư không nên đồng nhất với thời hạn sử dụng nhà chung cư. Ý kiến khác đề nghị quy định thời gian sử dụng đất ở theo thời hạn sở hữu nhà chung cư theo 50-70 năm.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo luật chưa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý. Ảnh: Quochoi. |
Liên quan đến vấn đề này, dẫn các quy định liên quan, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo luật chưa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, đồng thời gây mâu thuẫn trong các quy định luật hiện hành.
"Việc quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư có thể không gây ảnh hưởng lớn đến TP.HCM, Hà Nội nhưng với các thành phố khác sẽ gây tác động lớn do quỹ đất hạn chế. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động thêm", ông nói.
Mục đích của quy định thời hạn sở hữu chung cư là hướng tới bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, không có mục đích nào khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 2 loại ý kiến về sở hữu nhà chung cư. Có ý kiến quy định quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn, ông cho rằng mục đích của quy định này là hướng tới bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, không có mục đích khác. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở chính trị vững chắc, quy định liên quan và trên cơ sở vướng mắc thực tiễn...
"Vướng ở đâu thì sửa ở đó. Vướng của việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư có phải ở quy định này không? Đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo lắng nghe nhiều hơn", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Huệ cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn và đa số không tán thành quy định này. Dẫn quy định của Hiến pháp và pháp luật, ông cho biết quyền sở hữu tài sản của người dân được Nhà nước bảo đảm; Luật dân sự cũng quy định không ai có thể tước quyền sở hữu đối với tài sản. Và theo quy định Bộ Luật dân sự 2015, quyền sở hữu chủ nhà chung cư cũng xác định theo quy định pháp luật khi nhà chung cư phải phá dỡ...
"Hơn nữa, quyền sử dụng chỉ là một cấu phần của quyền sở hữu. Tuổi thọ nhà chung cư là một khái niệm về kỹ thuật xây dựng không khác khái niệm quyền sở hữu về tư pháp, pháp lý", ông nói.
Về ý kiến thời hạn sở hữu chung cư can thiệp quyền sở hữu, quyền lợi người dân và tác động đến thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá tác động thận trọng, toàn diện hơn nữa. Đồng thời cần quy định chặt chẽ hơn nữa về thời hạn sử dụng nhà chung cư và quy định tiêu hủy, phá dỡ, cải tạo loại hình nhà ở này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...