"Thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam và những hoạt động khác của Trung Quốc tại các thực thể cải tạo trái phép trên Biển Đông gây lo ngại sâu sắc", Thượng nghị sĩ Jim Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Ông nhận định vụ việc là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc "ngang ngược đe dọa các nước láng giềng để áp đặt tuyên bố hàng hải quá đáng". Thượng nghị sĩ Risch cảnh báo Trung Quốc đang làm suy yếu ổn định khu vực "giữa thời điểm cộng đồng quốc tế cần cùng nhau đối phó đại dịch Covid-19".
"Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, thúc đẩy hoạt động hòa bình trên Biển Đông", ông nói.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên cấp cao của ủy ban, cũng lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc "tiếp tục kiểu hành xử hung hăng và gây chia rẽ trên Biển Đông", giữa lúc cộng đồng quốc tế cần phải "hợp tác đối diện kẻ thù chung" là đại dịch Covid-19.
"Nghĩa vụ hàng đầu của mọi lực lượng tuần duyên là đảm bảo an toàn trên biển, không phải góp phần gây ra vô pháp và nguy hiểm", ông nhấn mạnh.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: DefPost. |
Ông Menendez nhấn mạnh "mọi quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải được đảm bảo không chịu sự cưỡng ép, sống trong một khu vực được quản trị bằng luật pháp, quy tắc và thể chế quốc tế".
Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban Chính sách Đông Á, Thái Bình Dương và An ninh mạng Quốc tế, cũng lên án hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế". Thượng nghị sĩ Ed Markey cũng kêu gọi chính phủ Mỹ "lên tiếng trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt tuyên bố hàng hải phi pháp trên Biển Đông".
Ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn vào cùng ngày.
"Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.