Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lên tiếng về vụ hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về vụ hải cảnh Trung Quốc vô cớ ngăn cản, đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa an toàn ngư dân VN.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc với thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong thông cáo ngày 6/4.

"Đây là sự việc mới nhất trong chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông".

Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

Ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.

My len an Trung Quoc dam chim tau ca Viet Nam anh 1

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: CNN.

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn vào ngày 3/4.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố về “những trạm nghiên cứu” mới trên các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi, và đã hạ cánh máy bay quân sự ở Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng triển khai dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa.

Đá Chữ Thập và Đá Subi là hai bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp và xây dựng căn cứ phi pháp tại đây.

Trong tuyên bố ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng Đường 9 Đoạn của Trung Quốc đã bị Toà Trọng tài - thành lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - coi là yêu sách hàng hải bất hợp pháp vào tháng 7/2016. Bà nhắc lại rằng đây là "một lập trường mà chính phủ Mỹ chia sẻ".

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu, và ngừng lợi dụng sự xao nhãng hoặc tình trạng dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố phi pháp trên Biển Đông", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Gửi công hàm phản đối vụ tàu cá bị hải cảnh TQ đâm chìm ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay quân sự đến Trường Sa

Hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 28/3.

VN lên tiếng việc TQ ngang nhiên xây 2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hạnh Vũ

Bạn có thể quan tâm