Hơn 200 năm đã trôi qua kể từ năm 1788, thời điểm Anh chiếm đóng vùng đất của những thổ dân bản địa tại Australia, nhưng dư âm vẫn còn dai dẳng đối với một số người.
Vì thế, khi một số nước trong khối Thịnh vượng chung đang tranh luận về việc từ bỏ vai trò nguyên thủ của quân vương Anh, chính phủ Australia của Thủ tướng Antony Albanese lại khá yên ắng, dù chính ông cũng theo chủ trương cộng hòa.
Thái độ của thủ tướng Australia không phải chỉ xuất phát từ sự tôn trọng dành cho cố nữ hoàng. Trước khi thắng cử, ông Albanese đã cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong nhiệm kỳ đầu 3 năm để ghi nhận tiếng nói của thổ dân Australia vào hiến pháp.
“Tôi khi ấy từng nói rằng mình không thể tưởng tượng ra tình huống mà chúng ta thay đổi nguyên thủ nhưng vẫn chưa công nhận những người bản địa trong hiến pháp”, Thủ tướng Albanese ngày 12/9 tái khẳng định. “Đó là ưu tiên của chúng tôi trong nhiệm kỳ này”.
Nữ hoàng Elizabeth II tại một nghi lễ bản địa tại Cairns vào năm 2002. Ảnh: AFP. |
Tiếng nói người bản địa
Việc sửa đổi hiến pháp sẽ cần sự đồng ý của đa số người dân trên khắp Australia, cũng như sự tán thành của đa số tiểu bang trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Đó là nhiệm vụ rất khó khăn. Kể từ khi Australia lập quốc vào năm 1901, chỉ 8 trong số 44 đề xuất sửa đổi hiến pháp đã được thông qua.
Thượng nghị sĩ thổ dân Gunditjmara của đảng Xanh Lidia Thorpe ủng hộ mạnh mẽ việc Australia thành lập Hiệp ước với các Dân tộc Thổ dân thuộc các Quốc gia Thứ nhất và trở thành một nước cộng hòa. Ảnh: Reuters. |
Lần trưng cầu dân ý thất bại gần đây nhất là vào năm 1999, khi công dân Australia được hỏi liệu có muốn thay thế vị trí nguyên thủ của nữ hoàng Anh bằng chức danh tổng thống hay không.
Lần đó, chiến dịch vận động bỏ phiếu “có” tập trung vào việc cắt đứt liên hệ với hoàng gia Anh và xây dựng đất nước mới đa văn hóa với con đường của riêng mình. Các vấn đề về người bản địa Australia không được xếp thứ hạng cao trong nghị trình.
Bên cạnh câu hỏi về nền cộng hòa, người Australia trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 cũng được hỏi vấn đề thứ hai: Liệu có tán thành việc viết lại lời mở đầu hiến pháp với nội dung tôn vinh “mối liên hệ mật thiết” của người bản địa với đất đai của họ hay không.
Vấn đề thứ 2 cũng không được thông qua. Các bô lão trong cộng đồng người bản địa khi ấy nói rằng họ đã không được tham vấn về cách diễn đạt của câu hỏi trên.
Nhưng đây không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Người bản địa Australia từ lâu đã phản ánh việc nhiều đời chính quyền không lắng nghe tiếng nói của họ.
Một cuộc biểu tình do các nhà hoạt động vì quyền người bản địa tổ chức tại Melbourne, Australia hồi năm 2017. Ảnh: Anadolu. |
Quyết tâm thay đổi điều đó, năm 1999, ông Peter Yu, một người thuộc tộc Yawuru bản địa và hiện là phó giám đốc phụ trách vấn đề người bản địa thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), đã trực tiếp tới Điện Buckingham cùng một phái đoàn để gặp Nữ hoàng Elizabeth II.
Tại đây, họ đã được nữ hoàng chào đón bằng thái độ nồng hậu hơn nhiều so với thái độ của chính quyền ở cả Anh và Australia, ông Yu nói.
Ngày nay, thái độ của cộng đồng người bản địa Australia đối với nữ hoàng còn khá lẫn lộn.
Tiếng nói trong nghị viện
Thủ tướng Albanese đã cam kết trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của mình kết thúc, chính quyền của ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về “Tiếng nói Nghị viện”.
Đây là cơ quan đầu tiên được ghi nhận trong hiến pháp Australia có chức năng đảm bảo người bản địa có quyền lên tiếng về những điều luật có thể ảnh hưởng tới họ.
John Warhurst, giáo sư khoa học chính trị thuộc ANU và cựu chủ tịch Phong trào Cộng hòa Australia, cho biết cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Nghị viện chắc chắn là ưu tiên lớn hơn đối với nền cộng hòa.
Theo ông Warhurst, Tiếng nói Nghị viện quan trọng vì một số lý do. “Nó là tuyên bố không thể đảo ngược về quá khứ của Australia, và cũng là về mối quan hệ sắc tộc tại đây…”, vị giáo sư nói. “Nếu chúng tôi không thể thông qua cuộc trưng cầu dân ý, điều này sẽ gửi đi thông điệp rất mạnh với quốc tế”.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố đây không phải thời điểm nghĩ tới vấn đề nền cộng hòa vì chính quyền của ông ưu tiên vấn đề Tiếng nói Nghị viện. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, không phải người bản địa nào cũng tán thành khái niệm Tiếng nói Nghị viện.
Telona Pitt, một phụ nữ có xuất thân bản địa ở Australia, tin rằng số người bản địa tham gia vào quá trình soạn dự thảo kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về Tiếng nói Nghị viện còn chưa đủ.
Bà Pitt là quản lý một nhóm Facebook có tên “Hãy bỏ phiếu ‘không’ đối với sửa đổi hiến pháp”, với 11.000 thành viên. “Kế hoạch này sẽ chỉ tước quyền của người thổ dân và làm tăng quyền của Nghị viện theo hướng bất lợi cho chúng tôi”, bà nói.
Theo bà Pitt, Australia trước tiên cần tổ chức trưng cầu dân ý trong nội bộ người bản địa để xem có bao nhiêu người ủng hộ sửa đổi hiến pháp. Sau đó, Australia mới nên đặt câu hỏi trưng cầu dân ý cho đại chúng.
Giáo sư Warhurst nói việc thông qua Tiếng nói Nghị viện sẽ giúp những lần sửa đổi hiến pháp sau đó dễ dàng hơn. Nhưng ngược lại, việc bác bỏ Tiếng nói Nghị viện cũng có thể kéo dài con đường tới một nền cộng hòa.
Ông Yu từ ANU cho rằng vấn đề người bản địa cần phải được giải quyết trước khi diễn ra bất cứ cuộc thảo luận nào về nền cộng hòa cho Australia.
“Làm sao bạn có thể có nền cộng hòa trong khi chưa giải quyết vấn đề với người bản địa”, ông Yu đặt câu hỏi. “Đối với tôi, điều đó quả thực rất vô lý”.