USD được thúc đẩy nhờ ngành ngân hàng và nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn chống chịu tốt. Ảnh: Bloomberg. |
Trong ngày giao dịch đầu tuần, theo dữ liệu của Trading Economics, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã tiến sát ngưỡng 102 điểm. Chỉ số này tăng vọt sau khi rơi xuống 100,8 điểm, đánh dấu mức thấp nhất một năm vào cuối tuần trước.
Giới quan sát cho rằng đồng bạc xanh phục hồi nhờ nền kinh tế Mỹ chống chịu tốt hơn dự kiến, cùng với kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng lớn tại Mỹ. Như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp chính sách tháng 5. Điều này thúc đẩy dòng tiền chảy vào USD.
Kinh tế Mỹ vẫn chống chịu tốt
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ hôm 14/4, doanh số bán lẻ đã giảm 1% trong tháng 3 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. "Doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến, nhưng phần lớn do giá xăng đi xuống. Trên thực tế, đây lại là tin tích cực đối với chi tiêu", CNBC dẫn lời ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance - nhận định.
"Lạm phát hạ nhiệt khi giá xăng giảm, nhưng điều đó có thể đảo ngược ngay lập tức", ông lập luận.
Cùng ngày, ông Christopher Waller - Thống đốc Fed - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn "chưa đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tăng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.
USD Index tăng vọt từ mức thấp nhất một năm vào cuối tuần trước. Ảnh: Trading Economics. |
Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ được cải thiện trong tháng 4. Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới cũng vọt lên 4,6%, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 5 tháng.
Đây sẽ là tin xấu đối với nỗ lực kìm hãm lạm phát của Fed, bởi tâm lý người tiêu dùng đi lên có thấy thúc đẩy nhu cầu, từ đó kéo giá cả lên cao.
Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng. Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là 85,5%, tăng từ mức 72,2% của một tuần trước đó (ngày 10/4).
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất dựa trên định giá của thị trường là 14,5%, giảm từ mức 27,8% của thứ hai tuần trước.
Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng
Thêm vào đó, kết quả kinh doanh tốt hơn dự đoán của JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo - những nhà băng hàng đầu nước Mỹ - đã xoa dịu lo ngại về tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng trong thời gian qua.
Trong quý đầu tiên của năm, JPMorgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 52%. Trong khi đó, Citigroup - nhà băng lớn thứ 3 - lãi 4,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Charles Scharf - Giám đốc điều hành Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ - cũng khẳng định "phần lớn các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn vững mạnh". Lãi suất tăng cao đã thúc đẩy lợi nhuận của nhà băng. Trong khi đó, tiền gửi tại Wells Fargo chỉ giảm 2% trong quý I bất chấp cuộc khủng hoảng, còn dư nợ gần như không thay đổi.
Trước đó, sự sụp đổ liên tiếp của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ và Signature Bank đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lan rộng trong ngành ngân hàng. Điều này có thể buộc Fed phải bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ rằng trong cuộc họp chính sách tháng 3, ủy ban hoạch định chính sách đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất vì cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng, nhưng rồi thay đổi quyết định.
Cuối cùng, Fed nhất trí tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...