Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vấn đề chính Apple cũng không có lời giải

Từng được xem là giải pháp cho mọi nhu cầu kết nối, tuy nhiên cổng USB-C đang mang đến nhiều rắc rối sau thời gian dài triển khai.

Cong USB-C la gi anh 1

USB-C dần phổ biến trên thiết bị công nghệ từ năm 2018. Đây là dạng cổng USB đầu tiên có thể cắm 2 chiều, kích thước nhỏ, hỗ trợ nhiều tính năng như sạc nhanh, truyền dữ liệu, video... tùy chuẩn kết nối tương thích.

Sau 6 năm triển khai rộng rãi, USB-C trở thành cổng kết nối thông dụng, không chỉ trên smartphone mà còn với máy tính hay phụ kiện, giúp người dùng kết nối mọi thiết bị chỉ với một dây cáp. Chính Apple, công ty luôn nổi tiếng với những cổng cắm độc quyền, cũng đã trang bị USB-C trên toàn bộ sản phẩm, bao gồm cả iPhone 15 từ 2023.

Về khả năng sạc pin, USB Power Delivery phổ biến hơn nhờ USB-C. Kể cả smartphone với công nghệ sạc nhanh độc quyền dựa trên cổng USB-C. Dù vậy, đa số người dùng vẫn gặp khó khi phân biệt các công nghệ sạc.

USB-C cũng xuất hiện nhiều hơn trên máy tính, thay thế cổng hình ảnh, âm thanh, sạc pin... Tuy nhiên, không phải cổng nào cũng có tính năng giống nhau, kể cả khi trang bị trên cùng sản phẩm. Điều đó cho thấy ngoài điểm tích cực, USB-C hiện nay vẫn rất lộn xộn.

Chuẩn sạc nhanh dễ gây nhầm lẫn

Theo Android Authority, khả năng sạc pin vẫn là vấn đề lớn với USB-C. Dù đảm bảo khả năng sạc nhanh trên một số smartphone, không phải ai cũng biết rõ cần kết hợp dây cáp, củ sạc nào cho hiệu quả nhất.

Nhiều hãng Trung Quốc vẫn sử dụng chuẩn sạc nhanh độc quyền, công suất cao nên thời gian sạc rất ngắn. Tuy nhiên, người dùng phải kết hợp model điện thoại với củ và cáp sạc phù hợp.

Cong USB-C la gi anh 2

Cổng USB-C trên iPhone 15 Pro. Ảnh: The Verge.

Với chuẩn sạc thông dụng hơn, các model này thường giới hạn công suất 18 W trở xuống, thậm chí là 5 W. Tóm lại, người dùng nên chọn cáp, củ sạc cùng hãng để đảm bảo tốc độ sạc nhanh nhất.

Những thương hiệu lớn như Apple, Google và Samsung sử dụng chuẩn sạc USB Power Delivery (USB-PD), với ưu điểm có thể dùng cáp, củ sạc của hãng khác, song điện áp hỗ trợ có thể khác nhau giữa phụ kiện, smartphone hay máy tính.

Sự ra đời của USB Power Delivery Programmable Power Supply (USB-PD PPS) càng gây phức tạp. Về cơ bản, giao thức này có thể chỉnh dòng điện và điện áp thực dựa vào trạng thái sạc thực tế, giúp giảm nhiệt và kéo dài tuổi thọ pin.

Theo thử nghiệm của Android Authority, công suất sạc trên Google Pixel 7 Pro không chênh lệch nhiều giữa củ sạc USB-PD 18 W và củ sạc 30 W có PPS.

Cong USB-C la gi anh 3

Công suất sạc bằng các giao thức sạc nhanh khác nhau qua cổng USB-C. Ảnh: Android Authority.

Trong khi đó, với củ sạc 45 W PPS, các đời Galaxy S Ultra gần đây có thể cho công suất tối đa, những model tiêu chuẩn dừng tại 25 W. Nếu dùng sạc USB-PD thông thường, công suất trên toàn bộ model chỉ là 15 W.

Dù vậy, không phải hãng nào cũng tận dụng giao thức PPS để tối ưu công suất. Asus, Google và Samsung là những cái tên phổ biến, số còn lại tuy áp dụng PPS nhưng công suất sạc khá chậm.

Điểm tích cực là chuẩn USB-PD đảm bảo công suất sạc của thiết bị trên 5 W, mức cơ bản của cổng USB-C. Tuy nhiên, người dùng vẫn phải tìm hiểu nếu muốn chọn cáp, củ sạc phù hợp nhằm đạt tốc độ cao nhất.

Tốc độ truyền dữ liệu phức tạp hơn

Nếu công suất sạc chưa đủ phức tạp, sự phân hóa về tốc độ truyền dữ liệu của USB-C thậm chí rắc rối hơn. Dù một số cổng cắm được dán nhãn, không phải ai cũng dễ biết tốc độ USB-C bằng cách nhìn vào cổng cắm.

Tốc độ USB được chia theo từng giao thức như USB 1.0, 2.0, 3.0, 3.1, 3.2 và 4.0, tất cả được USB-C hỗ trợ. Tuy nhiên, còn một số tiêu chuẩn phụ như USB 3.1 Gen 1, 3.1 Gen 2, 3.2 Gen 2, các chuẩn mới hơn gồm USB 3.2 Gen 1×1, 3.2 Gen 1×2 và USB 3.2 Gen 2×2.

Cong USB-C la gi anh 4

Tốc độ truyền dữ liệu giữa các giao thức USB. Ảnh: Android Authority.

Được công bố năm 2019, USB4 hứa hẹn đơn giản hóa các giao thức, giúp người dùng dễ phân biệt. Dù vậy, tên gọi của chúng vẫn khá phức tạp.

Hiện nay, các biến thể của USB4 gồm Gen 2×1, Gen 2×2, Gen 3×1, Gen 3×2 và Gen 4, tốc độ truyền dữ liệu 10-80 Gbps. Một biến thể của USB4 Gen 4 thậm chí cho tốc độ 120 Gbps nhưng không có quy ước tên cụ thể.

Các loại tên dùng để tiếp thị (chẳng hạn như USB 40 Gbps) và logo có thể giúp người dùng dễ dàng phân biệt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cáp và thiết bị cũng dán nhãn phù hợp, khiến người dùng gặp khó khăn nếu không xem bảng cấu hình.

Cùng cổng nhưng khác tính năng

USB-C có chức năng "Alternative Mode", bao gồm DisplayPort, MHL, HDMI, Ethernet và âm thanh. Những tính năng này phụ thuộc thông số cổng USB-C thay vì tốc độ, nhưng người dùng vẫn không dễ phân biệt.

Ví dụ, USB4 hỗ trợ Thunderbolt 3 và Thunderbolt 4, cho phép kết nối 2 màn hình 4K hoặc một màn hình 8K cùng lúc, cũng như card mở rộng cổng bằng PCIe.

Cong USB-C la gi anh 5

Cổng USB-C trên MacBook Air. Ảnh: Macworld.

Theo Android Authority, vấn đề lớn nhất là các Alternative Mode hiện nay không được thể hiện rõ. Nếu laptop thiếu cổng HDMI hay Ethernet, người dùng có thể cho rằng chúng vẫn hỗ trợ qua USB-C, nhưng điều đó có thể không đúng.

Nếu được hỗ trợ, các chức năng thay thế có thể hạn chế trên các cổng nhất định. Ví dụ, một laptop có thể trang bị 3 cổng USB-C, nhưng chỉ một cổng có khả năng xuất âm thanh hay hình ảnh.

Độ tương thích không cao

Dù vấn đề đến từ nhà sản xuất, việc thiếu tiêu chuẩn chặt chẽ tạo nên tình trạng dễ nhầm lẫn. Kể cả khi xác định rõ tính năng và tiêu chuẩn, chọn sai cáp kết nối cũng có thể gây khó khăn.

Ví dụ, tốc độ truyền dữ liệu không thể đạt 40 hay 80 Gbps nếu chọn cáp quá dài, hay cáp 3 A không thể cho công suất sạc 240 W. Người dùng phải chọn cáp dán nhãn, logo chính xác để đảm bảo hỗ trợ tính năng mong muốn.

Các loại cáp chuyển từ USB-A sang USB-C cũng rắc rối. Ví dụ, chuẩn USB 2.0 có 4 chân cho dữ liệu và nguồn, trong khi USB 3.0 tăng lên 9 chân.

Nếu muốn tìm cáp tốc độ cao hoặc hỗ trợ nhiều tính năng, người dùng phải chọn loại 9 chân. Tuy nhiên, một số chuẩn sạc nhanh độc quyền dùng cáp 4 chân để ưu tiên dòng điện, không phù hợp các giao thức mới.

Cong USB-C la gi anh 6

Thiết bị đo công suất sạc cho điện thoại. Ảnh: Android Authority.

Việc hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao và hình ảnh thời gian thực còn gây ra nhiều vấn đề. Tín hiệu tốc độ cao thường suy giảm theo chiều dài. Do đó, cáp USB còn chia thành loại chủ động và thụ động.

Cáp chủ động tích hợp các re-driver để khôi phục tín hiệu, ngăn tình trạng giảm chất lượng khi truyền đường xa. Do đó, các loại cáp dài để truyền dữ liệu cao cần thêm bộ phận bổ sung, trong khi sạc và truyền dữ liệu thông thường chỉ cần cáp thụ động kích thước ngắn.

DisplayPort, MHL, HMDI và Thunderbolt có thể hỗ trợ qua cáp USB-C thụ động, chiều dài dưới 2 m nếu mang biểu tượng SuperSpeed USB 3 nhánh, hoặc dưới 1 m với cáp SuperSpeed+. Trong khi đó, các loại cáp dài hơn cần re-driver chủ động, và logo Thunderbolt nếu muốn tốc độ 40 Gbps trở lên.

Cong USB-C la gi anh 7

Các chế độ Alternative Mode được hỗ trợ bởi cáp USB tương ứng. Ảnh: Wikipedia.

Điểm khởi đầu cho các sản phẩm USB-C là giao thức Power Delivery. Không chỉ liên quan sạc pin, đây cũng là giao thức cho những tính năng bổ sung (Alternative Mode) như HDMI hay DisplayPort nhờ chân kết nối.

Tóm lại, nếu thiết bị không hỗ trợ USB-PD, người dùng không thể sử dụng tính năng khác ngoài truyền dữ liệu.

Mạch Power Delivery phức tạp và đắt tiền, thậm chí rắc rối hơn nếu muốn hỗ trợ nhiều tính năng cho nhiều cổng. Do đó, các nhà sản xuất thường trang bị tính năng bổ sung cho một hoặc 2 cổng USB-C.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

iPhone 15 có dùng được cáp của máy Android?

Các loại sạc USB Type C đạt chuẩn có thể tương thích tốt với iPhone 15 như đồ chính hãng. Tuy nhiên, phụ kiện giá rẻ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏng hóc, cháy nổ.

Những công dụng bạn chưa biết ở cổng USB-C trên iPhone 15

Sạc cho thiết bị khác, kết nối màn hình hay ổ cứng ngoài là những công dụng hữu ích của cổng USB-C trên iPhone 15.

Dùng sạc MacBook cho iPhone có sao không?

Nếu sở hữu củ sạc MacBook với cổng USB-C, người dùng có thể sạc nhanh iPhone hay iPad mà không gặp vấn đề.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm