Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ước mơ vươn tầm thế giới của bóng đá Trung Quốc

Việc tập đoàn CMC mua 13% cổ phần của công ty mẹ CLB Man City, tương đương với 400 triệu USD cho thấy tham vọng rất lớn của Trung Quốc ở lĩnh vực bóng đá.

China Media Capital (CMS) là tập đoàn chuyên về giải trí, truyền thông, thể thao và hạ tầng internet. Việc họ mua 13% cổ phần của City Football Group (CFC) – chủ sở hữu của Man City, New York City FC và Melbourne FC là bước đột phá đầu tiên giúp Trung Quốc tạo ảnh hương đối với giải Ngoại hạng Anh và là bước tiến lớn trong một dự án rất tham vọng dẫn đầu bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bóng đá là một phần quan trọng trong những chương trình hành động của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc. Ông ấp ủ tham vọng Trung Quốc sẽ đăng cai World Cup và một ngày nào đó là vô địch. Trong chuyến thăm của Hoàng tử nước Anh Williams đến Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cho biết mình muốn nhìn thấy nhiều cầu thủ Trung Quốc thi đấu ở Ngoại hạng Anh trong tương lai.

Ông Tập Cận Bình đến thăm Man City vào cuối tháng 10 thì sau đó hơn một tháng tập đoàn CMC của Trung Quốc mua cổ phần của CFC. Ảnh: PA

Đại gia châu Á và tham vọng 'đào vàng' từ thể thao châu Âu

Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á gần đây không chỉ đến từ các cầu thủ có chất lượng hơn, mà còn bởi ngày càng nhiều những ông chủ giàu có nắm quyền điều hành các đội bóng phương Tây.

CMC mua cổ phần của CFC không phải lần đầu tiên một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bóng đá. Tháng trước, tập đoàn trò chơi điện tử Rastar vừa trở thành chủ của đội bóng Espanyol đang chơi ở La Liga khi nắm 80% cổ phần. Vào tháng 1, tập đoàn Dalian Wanda cũng sở hữu 20% cổ phần của Atletico Madrid – á quân Champions League 2014. Đáng chú ý, thỏa thuận giữa CMC và CFC đến chỉ vài tuần sau khi ông Tập Cận Bình ghé thăm Man City. Điều đó được kỳ vọng sẽ tăng cường lợi ích cho Trung Quốc lẫn các ông chủ giàu có đến từ Abu Dhabi.

Một trong những ưu tiên của chính phủ Trung Quốc hiện nay là thúc đẩy việc đầu tư vào thể thao, kể cả trong nước lẫn ngoài nước, đặc biệt là bóng đá. Cho đến nay, thành tựu của bóng đá Trung Quốc là không tương xứng với sự phát triển về kinh tế. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc mới chỉ một lần góp mặt ở World Cup 2002 và đang gặp khó khăn ở vòng loại giải đấu 2018.

Những năm 90 thế kỷ trước, đội tuyển nữ Trung Quốc từng vào đến chung kết World Cup, trong khi đội nam dự World Cup 2002. Nhưng hiện tại, bóng đá Trung Quốc có thành tích khá ảm đạm ở đấu trường thế giới. Đội nam chưa có lần thứ 2 dự sân chơi thế giới và đang xếp sau Qatar, Hong Kong ở bảng C vòng loại năm 2018. Trên bảng xếp hạng FIFA tháng 12/2015, Trung Quốc đứng hạng 84 thế giới và thứ 8 châu lục, xếp sau Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE, Uzbekistan và Ả-rập Xê-út.

Việc CMC mua cổ phần của CFC theo lý giải của lãnh đạo tập đoàn này là làm thế nào để xây dựng nên một thương hiệu bóng đá vững mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của giải VĐQG Trung Quốc. “Mục tiêu lớn của chúng tôi là học hỏi những kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thể thao”, chủ tịch CMC Li Ruigang cho biết trên The Paper tuần qua.

Nhà phân tích kinh tế Zhang Ziru nhấn mạnh khả năng “quản lý và tạo ra lợi nhuận” của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực thể thao là yếu kém nhưng lợi thế của họ là có vốn lớn. Việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần các đội bóng lớn châu Âu là việc làm có ý nghĩa chiến lược, trước khi mang bí quyết kinh doanh trở lại thị trường trong nước. Với Man City, việc bắt tay với CMC cũng là bước đi chiến lược để tạo ảnh hưởng ở một thị trường đông dân và đang phát triển.

Guangzhou Evergrande vô địch AFC Champions League 2015 dưới sự dẫn dắt của HLV Scolari - người từng lên ngôi ở World Cup 2002.

Đội bóng Trung Quốc vô địch AFC Champions League

CLB Guangzhou Evergrande đã lên ngôi vô địch AFC Champions League 2015 sau khi đánh bại Al Ahli (UAE) 1-0 ở trận chung kết lượt về, diễn ra chiều 21/11.

Ở trong nước, tiền cũng đổ vào bóng đá rất nhiều những năm gần đây. CLB Guangzhou Evergrande là CLB thành công tiêu biểu với 2 lần vô địch AFC Champions League. Đứng đằng sau họ là công ty bất động sản Evergrande (60% cổ phần) và tập đoàn khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma (40%). Tham vọng của họ không dừng ở biên giới Trung Quốc. Đội bóng này muốn nằm trong top 20 CLB hàng đầu thế giới.

Về lâu dài, đội bóng sẽ thực hiện giấc mơ thông qua một trong những học viện bóng đá lớn nhất thế giới. Còn trước mắt, họ muốn vô địch FIFA World Cup Club 2015, tổ chức ở Nhật Bản tháng 12 này. Với một đội bóng đã đầu tư hơn 150 triệu USD để mua cầu thủ và HLV trong 5 năm qua, không có gì là không thể.

Trong quá khứ, bóng đá Trung Quốc từng có những cầu thủ thi đấu tốt tại các giải đấu hàng đầu của Anh như Li Tie (Everton), Fan Zhiyi (Crystal Palace) hay Sun Ji Hai (Man City)… nhưng vài năm gần đây khả năng xuất khẩu cầu thủ của quốc gia này có hạn. Điều này khiến ông Tập Cận Bình không hài lòng. Chính vì thế, ông đã có chủ trương xây dựng hơn 20.000 trường học bóng đá đến năm 2017 để phát triển sâu rộng, toàn diện đào tạo nên nhiều cầu thủ tốt trong tương lai.

 



Hoàng Tâm

Bạn có thể quan tâm