Không phải hàng Nhật nào cũng tốt, đặc biệt là hàng “viện trợ”. Sau những va vấp với huấn luyện viên (HLV) Takashi và Miura, người hâm mộ và cả những người dẫn lối cho bóng đá Việt Nam đều đã nhìn thấy điều này.
Ông Miura đến Việt Nam trước, và Takashi cũng theo chân với cùng kịch bản. Họ là một phần trong kế hoạch hợp tác của Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Nhật Bản đối với LĐBĐ Việt Nam. Điều đáng chú ý, cả 2 HLV này đều được LĐBĐ Nhật “gánh” đỡ một phần lương và cử đích danh, nên VFF không có quyền lựa chọn.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam chấm dứt hợp đồng với HLV Takashi. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Cả Miura lẫn Takashi nghiễm nhiên ngồi vào những chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển nam, nữ Việt Nam mà hầu như không cần tuyển cử hay trưng cầu ý kiến. Nhưng sự có mặt của họ vẫn được chấp nhận nhanh chóng, bởi ngoài ý nghĩa chuyên môn, họ còn mang bóng dáng “sứ giả” của tình bằng hữu.
Dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, những mâu thuẫn giữa bóng đá Việt với các ông thầy Nhật đã nảy sinh, và nó càng trở nên trầm trọng hơn qua từng giải đấu.
ĐT nữ Việt Nam vốn được coi là môi trường lành tính và nhẫn nhịn. Nhưng họ chỉ có thể lành và nhịn trước những điều kiện đãi ngộ thấp kém hay sự thờ ơ của cấp trên, chứ không thể nhắm mắt làm ngơ khi bị “sốc” về chuyên môn.
HLV Takashi đến và làm đảo lộn các giá trị lâu nay của ĐT nữ Việt Nam. Ông ép các cô gái nhỏ bé phải từ bỏ lối chơi kỹ thuật để thay vào đó là những bài phất dài, tạt cánh, làm tường. Ông nhồi cho họ những bữa “cháo” thể lực mà theo các cầu thủ đánh giá là “hoang đường” nếu so với tố chất của người Việt.
Hậu quả là rất nhiều thành viên đội tuyển bị chấn thương, hoặc cảm thấy quá sức chịu đựng của mình nên đã phải “cáo ốm” để còn được lành lặn khi các trận đấu chính thức đã cận kề. ĐT nữ Việt Nam bước vào vòng loại Olympic 2016 theo cách đó.
Ở trận đầu tiên, họ thất bại. Một thất bại bất ngờ và cay đắng, vì nữ Đài Loan vốn chưa bao giờ được đánh giá ngang tầm với Việt Nam. Một thất bại làm nổ tung quả bom ức chế với ông thầy Nhật cứng nhắc và thủ cựu, vốn đã tích tụ lâu nay.
Sau trận đấu ấy, vị HLV trưởng hầu như không còn tiếng nói gì trong đội. Các cầu thủ tự bảo nhau đá theo cách truyền thống của họ, và phớt lờ những chỉ đạo của ông Takashi.
Đến lúc này, các chiến thắng tự tìm đến với ĐT nữ Việt Nam, trong đó có trận đấu then chốt vượt qua Thái Lan ở lượt cuối cùng. Và khi các cô gái lách qua khe cửa hẹp để làm nên kỳ tích lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic 2016, cũng là lúc người ta đặt câu hỏi, liệu ông Takashi có còn hữu ích?
Câu hỏi này rốt cuộc đã có lời giải, và VFF giải nó sớm hơn dự kiến. Bản hợp đồng của HLV Takashi với LĐBĐ Việt Nam có thời hạn đến tháng 1/2016, nhưng ngay bây giờ, VFF đã chủ động thông báo ngừng hợp tác với ông thầy Nhật.
Một cuộc chia tay đột ngột và khiến ông Takashi phần nào bất mãn, nhưng nó được đánh giá là thuận “lòng dân”. VFF dù ở tư thế của kẻ được “viện trợ”, nhưng cũng đủ dũng cảm để đưa ra chính kiến của mình.
Một thành viên của VFF cho biết: “Dù không công bố rộng rãi nhưng chúng tôi đã cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định này, bởi nhận thấy vấn đề là cách làm việc của HLV Takashi không phù hợp với lối chơi của ĐT nữ Việt Nam”.
Vấn đề của Takashi cũng giống hệt vấn đề của Miura. Và VFF “hành động” với Takashi lúc này cũng chẳng khác gì gửi “tối hậu thư” đến Miura, người đang phải chịu muôn vàn sức ép từ dư luận.
Về cơ bản, Miura vẫn được các học trò ủng hộ và bảo vệ trước giới truyền thông. Nhưng trong mắt VFF và khán giả cả nước, uy tín của ông đã giảm sút quá nhiều. Đặc biệt với ông Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, sự hiện diện của Miura đồng nghĩa với bóng đá Việt Nam ngày càng trở nên tẻ nhạt và xấu xí.
Có thể VFF sẽ rất khó khăn để tìm người thay thế Miura, nhưng nếu vị HLV này nghỉ việc sau khi hết hợp đồng vào tháng 4/2016 thì số đông người hâm mộ cũng sẽ đồng tình.