Ban đầu, con số những CLB tại châu Âu được điều hành bởi các ông chủ châu Á rất thưa. Nhưng theo thời gian, ngày càng xuất hiện nhiều tập đoàn hùng mạnh phương Đông nhảy vào miếng bánh ngọt là các giải vô địch quốc gia hàng đầu phương Tây với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận. Nghiêm túc, đầu tư mạnh tay, tham vọng lớn - đó là những yếu tố người ta nhìn thấy từ những "gã khổng lồ" châu Á khi họ bắt tay làm bóng đá lúc này.
Xây lại và giấc mơ chinh phục trời Âu
Tỷ phú Peter Lim đổ rất nhiều tiền trong việc xây dựng lại Valencia. Ông còn mua bản quyền khai thác hình ảnh của Cristiano Ronaldo. Ảnh: REX |
Hầu hết những CLB trước khi có chủ sở hữu châu Á toàn nằm trong nhóm nợ nần chồng chất. "Tình hình tài chính của những CLB đó rất tệ. Họ phải gánh những món nợ khổng lồ," chuyên gia kinh tế người Pháp Bastien Drut giải thích, đồng thời cho biết các ông chủ châu Á đã nhân cơ hội này để nhanh tay đầu tư vào các đội bóng ở giải Tây Ban Nha và Italy. Động thái trên có lợi cho đôi bên, đặc biệt với các CLB đang trong tình cảnh khó khăn tài chính. Việc xuất hiện chủ mới giúp họ giải quyết được các khoản nợ, đồng thời ngân sách chắc chắn khả quan hơn.
Trong bài viết trên AFP hồi tháng trước, hãng tin của Pháp cho biết mặt bằng chung các giải VĐQG châu Âu đang dần biến thành cuộc chơi của các tập đoàn châu Á hùng mạnh. Tại Tây Ban Nha, tập đoàn trò chơi điện tử Rastar (Trung Quốc) vừa đạt được thoả thuận với hai cổ động chính của Espanyol sở hữu hơn 80% cổ phần đội bóng. Họ cũng bơm thêm 45 triệu euro vào ngân sách đội bóng, qua đó biến tổng chi phí đầu tư lên tới 64 triệu euro. Tập đoàn này cũng thanh toán số nợ hơn 15 triệu euro của CLB xứ Catalan với hy vọng giúp đội bóng thoát khỏi cái bóng quá lớn của kình địch cùng thành phố Barcelona.
Tháng 10 năm ngoái, tỷ phú Peter Lim mua quyền sở hữu Valencia. Ông chủ người Singapore tốn đến 420 triệu euro để thanh toán mọi nợ nần và đầu tư vào các khoản khác để giúp đội chủ sân Mestalla hồi sinh, trở lại Champions League mùa 2015-16. Được biết, tập đoàn Meriton của tỷ phú Peter Lim hồi tháng 10 bơm tiếp 100 triệu euro cho ngân sách Valencia. Trong khi đó, doanh nhân Erick Thohir cũng giành quyền sở hữu 70% cổ phần của Inter Milan, vốn trắng tay từ mùa 2010 và vắng bóng ở Champions League suốt 3 năm qua, với giá 300 triệu euro.
Doanh nhân Erick Thohir cũng tiếp quản Inter Milan khi mua lại quyền sở hữu đội bóng Italy. Ảnh: FootballItaly |
Ngoài ra, tập đoàn giải trí - bất động sản Dalian Wanda của tỷ phú Wang Jianlin cũng mua 20% cổ phần Atletico Madrid. Gần nhất, ông chủ của Man City, Sheikh Mansour quyết định bán 13% cổ phần của tập đoàn bóng đá City (CFG) cho một tập đoàn truyền thông của Trung Quốc, tương đương 400 triệu euro. Trong năm nay, tập đoàn do doanh nhân Dejphon Chansiri của Thái Lan làm chủ đã tiếp quản đội bóng Sheffield Wednesday ở giải Championship của Anh, còn công ty chiếu sáng có trụ sở ở Quảng Châu (Trung Quốc) cũng mua lại đội bóng hạng 2 Sochaux tại Pháp. Do phần lớn các CLB vừa nêu đều có ngân sách eo hẹp, vì vậy, họ không thể từ chối cơ hội quá hấp dẫn khi được chủ mới đầu tư.
Nhưng người châu Á còn có tham vọng lớn hơn. Họ mơ ngày được sở hữu các tên tuổi hàng đầu tại Anh, dù chuyên gia kinh tế bóng đá Rob Wilson ở trường đại học Sheffield Hallam University bình luận đó không khác nào nhiệm vụ bất khả thi.
CFG là công ty con của ADUG, tập đoàn đầu tư và phát triển thuộc sở hữu riêng của Sheikh Mansour - ông chủ Manchester City. CFG được thành lập vào năm 2014 với ADUG là cổ đông duy nhất. Mục đích của CFG là đẩy mạnh việc hợp tác phát triển bóng đá của Man City với những CLB khác trên thế giới. Hiện nay, ngoài Man City thì New York City (Mỹ), Melbourne City (Australia) và một phần cổ phần của Yokohama F. Marinos (Nhật Bản) đều thuộc về CFG.
Làm kinh tế giỏi, chưa chắc thành công trong bóng đá
Dưới quan điểm cây bút thể thao, văn hoá và chính trị Andy West của Anh, việc nhiều CLB bóng đá châu Âu giờ thuộc quyền điều hành các ông chủ châu Á cho thấy giao thoa giữa hai nền kinh tế Âu-Á đang xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trái ngọt trong bóng đá không thể gặt hái kiểu một sớm một chiều. Điển hình, Valencia của chủ tịch Peter Lim vừa thay đổi quyền chỉ đạo trên ghế HLV khi ông Nuno tuyên bố từ chức vì chuỗi thành tích nhạt nhoà trong thời gian qua. Việc "Bầy dơi" sa sút cho thấy để kiếm lời từ các khoản đầu tư không hề đơn giản với vị tỷ phú người Singapore.
Mọi quyền hành ở Valencia được tin rằng chịu sự điều khiển của "Siêu cò" Jorge Mendes. Ảnh: AS |
Ở người đàn ông tài năng này, đó là hình ảnh một doanh nhân thành đạt và có tầm nhìn rộng. Nhưng khi dấn thân vào bóng đá, mọi thứ lập tức thay đổi, tỷ phú Peter Lim mất đi sự kiên nhẫn cho HLV, đồng thời ông đang tỏ ra rất mù mờ trong việc điều hành đội bóng. Andy West nhận định, người có sức mạnh tuyệt đối ở Valencia hiện tại chính là "siêu cò" Jorge Mendes. Từ khi xây dựng mối quan hệ làm ăn, Peter Lim tỏ ra rất tin tưởng người đại diện cho những siêu sao Ronaldo, Di Maria, Falcao, De Gea…. Ông cho phép “siêu cò”người Bồ Đào Nha tạo ra tầm ảnh hưởng trong chính sách chuyển nhượng khi toàn quyền mua sắm cầu thủ theo ý thích.
Có người nói, đội hình Valencia không khác nào những quân bài do Jorge Mendes tạo ra, từ đó đánh mất bản sắc, lối chơi, văn hoá và cả hệ thống chiến lược lâu dài. Thậm chí, Jorge Mendes cũng rất ma mãnh khi một mặt mang về cho CLB những bản hợp đồng mới, nhưng song song đó vẫn thực hiện các phi vụ nước đôi có lợi cho bản thân. Điển hình, Valencia bán Nicolas Otamendi cho Manchester City theo bản hợp đồng mà Jorge Mendes bỏ túi 10% tổng mức phí. Rõ ràng, tin dùng một tay cò không phải nước cờ được CĐV hoan nghênh. Đó còn chưa kể HLV Nuno như một con rối trong tay Jorge Mendes.
Với cách làm bóng đá kiểu thời vụ ngắn hạn như vậy, không quá khó hiểu khi Valencia thi đấu rất phập phù ở Champions League lẫn La Liga. Hiện tại, họ xếp thứ 9 ở giải trong nước và chưa chắc khả năng đi tiếp tại cúp châu Âu mùa này. Trường hợp của Valencia là một bài học điển hình cho những "gã khổng lồ" châu Á khác nuôi mộng "đào vàng" ở vùng trời phương Tây. Phạm trù kinh doanh trong bóng đá không giống với bất kỳ lĩnh vực nào. Đôi khi, chủ đầu tư đổ rất nhiều tiền để xây dựng đội bóng, nhưng thành công không phải lúc nào cũng tuân theo công thức tiền bạc sẽ mang đến trái ngọt.
Valencia thi đấu chưa thật sự khởi sắc. Ảnh: Reuters. |
Nên nhớ, tỷ phú Peter Lim đổ rất nhiều tiền vào CLB, còn doanh nhân Erick Thohir cũng tốn hao khá đậm cho Inter Milan. Tuy nhiên, không chỉ Valencia mà cả Inter Milan đều chưa tạo cho người hâm mộ sự tin tưởng và mở ra một giấc mơ hồi sinh. Mới đây, Inter Milan vừa thua Napoli 1-2 tại Serie A và trước đó từng bị Fiorentina quật ngã 1-4. Nếu là một đội bóng mạnh và muốn tái hiện sức mạnh quyền uy những năm trước, đội chủ sân Meazza chắc chắn không thể chơi phập phù như vậy.
Thế mới thấy, cuộc chơi "đào vàng" ở phương Tây với nhà giàu châu Á còn lắm gian truân!