Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Unilever Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển của DN

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cuối tuần qua tại Hà Nội, Unilever Việt Nam được UN Women vinh danh tại giải thưởng “Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ” (WEP) ở 2 hạng mục: “Lãnh đạo cam kết” và “Bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các cá nhân và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cũng như thành tựu đã đạt được tại Việt Nam.

Sau khi đại diện nhận giải thưởng này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, đã có buổi chia sẻ về tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đối với phát triển doanh nghiệp.

- Thưa bà, trao quyền về kinh tế cho phụ nữ được hiểu như thế nào tại Unilever?

- Tại Unilever, chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc… Chúng tôi hướng đến một thế giới mà ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội.

Tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị của mình và sử dụng tiếng nói của các thương hiệu để giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện cuộc sống.

- Bà có thể chia sẻ lý do Unilever Việt Nam tham gia giải thưởng “Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ” của Liên Hợp Quốc?

- Unilever Việt Nam luôn muốn tạo dựng môi trường làm việc lấy sự đa dạng giới làm giá trị cốt lõi. Trong đó phụ nữ có cơ hội bình đẳng để phát triển và thành công. Với mục tiêu này, chúng tôi nỗ lực đạt được nhiều thành công trong thời gian qua. Thông qua các giải thưởng, Unilever Việt Nam hy vọng cùng Liên Hợp Quốc và các doanh nghiệp thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Binh dang gioi anh 1

Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân (giữa) nhận giải “Lãnh đạo cam kết” do UN Women trao tặng.

- Tại Unilever Việt Nam, những sáng kiến ​​bình đẳng giới được áp dụng như thế nào?

- Bình đẳng giới luôn là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của chúng tôi. Trong nội bộ, chúng tôi đã thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, đặc biệt cho nhân viên nữ. Chúng tôi thực hiện kế hoạch toàn diện, nhấn mạnh vào hành động cụ thể, có lộ trình và chỉ số đo lường rõ ràng. Đồng thời, chúng tôi tập trung theo dõi tiến độ đạt được về bình đẳng giới giữa các cấp, các phòng ban.

Chúng tôi tự hào đã phá vỡ được “trần thủy tinh”, đề bạt nhân viên nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp và khuyến khích nhiều chị em phát huy hết tiềm năng.

Unilever Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các chính sách làm việc linh hoạt cho tất cả nhân viên, cho phép họ làm việc linh hoạt, bảo vệ tốt sức khỏe thể chất và tinh thần. Chúng tôi cũng thúc đẩy tăng cường chế độ nghỉ thai sản với nam giới, từ đó giúp các bà mẹ trẻ được chăm sóc sau sinh tốt hơn. Kết quả, chúng tôi có một đội ngũ quản lý mạnh, gần 53% là nữ.

Binh dang gioi anh 2

Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân dự Lễ trao giải WEPs của UN Women tại Hà Nội.

- Còn đối với xã hội, Unilever Việt Nam có có những tác động gì đến bình đẳng giới, thưa bà?

- Là một doanh nghiệp có trách nhiệm, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với đối tác chiến lược lâu dài là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 2007 để trao quyền cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh thành. Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả và cam kết đầu tư hơn 240 tỷ đồng (khoảng 10 triệu USD).

Một số điểm nổi bật trong các chương trình của chúng tôi gồm quỹ tài chính vi mô hỗ trợ 50.000 phụ nữ và gia đình của họ kinh doanh với tổng số vốn cho vay quay vòng khoảng 350 tỷ đồng. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục sức khỏe và vệ sinh trong 10 năm qua. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi đã khởi động chương trình “Phụ nữ làm kinh doanh”, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho 5 triệu phụ nữ.

- Làm thế nào để khu vực tư nhân có thể dẫn đầu về việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 5 của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới (SDG5), góp phần xây dựng một thế hệ bình đẳng mới trong doanh nghiệp?

- Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa SDG5 và tạo ra thế hệ bình đẳng mới trong doanh nghiệp. Trước hết, chúng tôi có thể truyền thông nâng cao nhận thức người dùng về các vấn đề bình đẳng giới thông qua các chiến dịch sáng tạo.

Các thương hiệu của chúng tôi đang được nhiều hộ gia đình Việt Nam tin dùng là một lợi thế. Chúng tôi có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết của mình về SDG5, càng làm tốt thì người tiêu dùng càng đánh giá cao. Chúng tôi có thể chia sẻ các phương pháp hay và truyền cảm hứng cho các đối tác kinh doanh trong chuỗi giá trị của mình, gồm các DNNVV, khách hàng và nhà bán lẻ.

Hơn nữa, chúng tôi cố gắng trở thành hình mẫu thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ hợp tác với Chính phủ và các đối tác phi lợi nhuận để đặt ra các mục tiêu ưu tiên, thực hiện các chương trình cộng đồng mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong xã hội.

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm