Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Unilever, Colgate ‘nuốt’ kem đánh răng Việt ra sao?

Hai tập đoàn nước ngoài bị nghi dùng chiêu lỗ khủng để hất cẳng đối tác Việt trong liên doanh, chiếm hoặc loại thương hiệu xây dựng trước đó.

Unilever, Colgate ‘nuốt’ kem đánh răng Việt ra sao?

Hai tập đoàn nước ngoài bị nghi dùng chiêu lỗ khủng để hất cẳng đối tác Việt trong liên doanh, chiếm hoặc loại thương hiệu xây dựng trước đó.

Từ những năm 90, thị trường kem đánh răng Việt Nam do hai nhãn hiệu đình đám nhất Dạ Lan và P/S làm “thống lĩnh”. Nhãn hiệu kem đánh răng P/S được công ty hóa phẩm P/S trực thuộc Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ năm 1975. Trong một giai đoạn rất dài, không dưới 20 năm (1975 – 1995) P/S đã xác lập được vị thế dẫn đầu về sản phẩm chăm sóc răng miệng trên thị trường Việt Nam và chiếm được lòng tin yêu của đông đảo người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam thời đó, P/S là một dấu ấn khó phai mờ.

“Sinh sau đẻ muộn” nhưng kem đánh răng Dạ Lan cũng ghi điểm với người tiêu dùng Việt Nam, từ Nam ra Bắc. Kem đánh răng Dạ Lan ra đời tại TP.HCM năm 1988, là kết quả hợp tác giữa cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của công ty Hóa mỹ phẩm Sơn Hải sau này), với một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành sản xuất kem đánh răng Việt Nam lúc đó - kỹ sư Lưu Trung Nghĩa.

 
Kem đánh răng Dạ Lan giờ chỉ còn là quá khứ.

Sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan có chất lượng tốt, hương vị độc đáo, giá rẻ, hợp túi tiền của đại bộ phận người dân. Dạ Lan còn nhận được thiện cảm đặc biệt của người tiêu dùng nhờ hình ảnh ông cụ đẹp lão khoe hàm răng trắng trên bao bì.

Kem đánh răng Dạ Lan không chỉ được tiêu thụ mạnh tại các vùng đô thị lớn, mà còn len lỏi được đến tận các vùng nông thôn sâu, xa, nhất là tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Không những thế, Dạ Lan còn sang được cả thị trường Lào, Campuchia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.

Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan lớn mạnh, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào chiếm tới 90%, được đánh giá là đã góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.

Cùng với P/S, Dạ Lan là những nhãn hiệu thuần Việt chiếm lĩnh hơn 95% thị phần kem đánh răng cả nước. Có những thời điểm P/S chiếm trên 65% và Dạ Lan chiếm 30% thị phần, còn lại là một vài nhãn hiệu Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường kem đánh răng Việt Nam đã bị đảo lộn khi những ông lớn ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới Việt Nam.

Liên doanh, lỗ và thâu tóm

Unilever là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa nhãn hiệu của Anh và Hà Lan. Khi Unilever thâm nhập thị trường Việt Nam năm 1995, hãng đã xúc tiến đàm phán để được chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S.

Ban đầu, Unilever không đưa ra chính sách “mua đứt, bán đoạn” mà đề nghị liên doanh, cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu P/S. Liên doanh được thực hiện qua hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu.

Nếu chỉ nhìn qua giao dịch thì rõ ràng phía P/S có lợi rất lớn khi P/S sẽ vừa có được nguồn thu từ việc bán nhãn hiệu để xúc tiến các mục tiêu đầu tư khác, vừa tiếp tục được chia lợi nhuận qua doanh nghiệp liên doanh. Không biết có phải do tính toán như vậy không mà P/S đã được bán lại cho Unilever với giá chuyển nhượng lên tới 5 triệu USD – một con số không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, công ty Hóa phẩm P/S ngày càng đuối sức trong liên doanh kể từ khi liên doanh thay đổi công nghệ phát triển. Nếu trước đây, vỏ kem đánh răng của P/S là nguyên liệu nhôm thì lúc đó, nhựa đã được dùng để thay thế. công ty Hóa phẩm P/S không đủ sức đầu tư dây chuyền sản xuất mới để tiếp tục gia công cho liên doanh nên số cổ phần còn lại của P/S đã rơi vào tay Unilever.

Chính vì vậy, đến nay, liên doanh P/S ELISA đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong khi công ty Hóa phẩm P/S đã đánh mất hoàn toàn vị thế cạnh tranh ban đầu của mình về sản phẩm chăm sóc răng miệng.

"Công nghệ là một trong các “chiêu” mà các công ty đa quốc gia dùng để “thâu tóm” doanh nghiệp Việt Nam. Ông Quang phân tích không ít doanh nghiệp mang tới công nghệ quá tầm khiến đối tác hụt hơi, không đủ sức theo đuổi và phải bán lại cố phần" . - chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét.

Trong khi đó, lỗ triền miên lại là nguyên nhân đẩy liên doanh Colgate-Palmolive Sơn Hải tan vỡ.

Cũng trong năm 1995, công ty quốc tế Colgate Palmolive đặt vấn đề liên doanh với Sơn Hải, công ty sở hữu nhãn hiệu Dạ Lan. Ban đầu, ông Trịnh Thành Nhơn, ông chủ của Dạ Lan chưa có ý định “nhường” Dạ Lan cho Colgate Palmolive, nhưng việc công ty Phong Lan công bố bán thương hiệu P/S cho Unilever với giá 5 triệu USD đã khiến ông phải suy nghĩ lại.

“P/S đã về tay Unilever. Colgate Palmolive chắc chắn không từ bỏ ý định thâm nhập thị trường Việt Nam. Thấy khả năng cạnh tranh trực tiếp với họ là không đơn giản, tôi đành bán Dạ Lan đi với hy vọng Colgate Palmolive sẽ tiếp tục phát triển nó”- ông Nhơn chia sẻ.

Nhưng ông Nhơn không muốn “đứa con tinh thần” của mình rơi hoàn toàn vào tay người khác nên ông vẫn giữ lại phần nhỏ quyền sở hữu. Ông hợp tác với Colgate để ra đời một liên doanh có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Trong đó, Dạ Lan được định giá 3 triệu USD với phần vốn góp 30%. Đây là số tiền rất lớn trong thời điểm đó.

Theo thỏa thuận trước khi liên doanh, Colgate Palmolive sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Dạ Lan. Thế nhưng, sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan không hiểu vô tình hay cố ý mà liên tục thua lỗ. Không lâu sau, năm 1998, khi không thể chống chọi với thua lỗ, ông Nhơn phải bán nốt 30% cổ phần còn lại cho đối tác.

Như vậy, chỉ sau vài năm liên doanh, các nhãn hiệu kem đánh răng Việt Nam Dạ Lan và P/S hoàn toàn rơi vào tay các công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo VTC News

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm