Thông tin trên được trích từ một phân tích mới của UNICEF, được công bố vào thời điểm kết thúc nghỉ hè ở nhiều nơi trên thế giới, theo thông cáo từ UNICEF ngày 26/8.
Trong số 140 triệu trẻ bị hoãn ngày tựu trường, ước tính có 8 triệu học sinh, trong đó có khoảng 3 triệu em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đã chờ đợi ngày đi học đầu tiên suốt hơn một năm. Thời gian này được cho là sẽ còn kéo dài, vì nhiều trường học vẫn phải đóng cửa do đại dịch.
“Với hàng triệu trẻ em, sự kiện trọng đại đó đã bị hoãn lại vô thời hạn", bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, chia sẻ, đề cập đến ngày tựu trường của học sinh lớp một.
"Trong khi lớp học ở nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại, hàng triệu học sinh lớp một phải chờ đợi để được đến lớp trong suốt một năm qua. Có thể sẽ có hàng triệu học sinh khác không được thấy lớp học trong học kỳ này. Đối với nhóm trẻ em dễ tổn thương nhất, nguy cơ không bao giờ được tới lớp đang tăng vọt”, bà nói thêm.
Các em nhỏ ôn tập tại nhà qua tivi ở Kibera. Ảnh: Storitellah.com. |
Theo UNICEF, trong năm 2020, các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 79 ngày. Tuy nhiên, đối với 168 triệu học sinh, trong đó có ít nhất 34 triệu học sinh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trường học của các em phải đóng cửa gần như cả năm kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Thậm chí hiện tại, nhiều trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ chưa từng có, đó là bị gián đoạn trong học tập thêm năm thứ hai.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang triển khai một số hành động để thực hiện hình thức học tập từ xa, thì có ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, và 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận hình thức học tập này.
Theo UNICEF, nhiều trẻ em sẽ phải hứng chịu các hậu quả liên quan đến việc trường học đóng cửa, bao gồm hổng kiến thức, tinh thần căng thẳng, bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, nguy cơ bỏ học, lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.