“Đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra”, bà Flowers nói trong thông cáo ngày 29/12 của UNICEF. “Các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc”.
Bà Flowers cho rằng các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng và thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Điều này “báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn”, theo thông cáo.
Nhiều người tưởng niệm bé V.A. trước sân chung cư. Ảnh: A.H. |
UNICEF Việt Nam ra thông cáo trên sau sự việc một bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong tại tòa nhà Saigon Pearl ở quận Bình Thạnh, TP.HCM vào ngày 22/12. Nhà chức trách hiện đã tạm giữ Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) để điều tra liên quan đến cái chết của bé gái.
“Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo”, trưởng đại diện UNICEF khẳng định. “Cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ”.
Thông cáo cũng chỉ ra xã hội cần có thái độ không khoan nhượng với bạo lực.
“Không khoan nhượng nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền”, bà Flowers nói trong thông cáo. “(Nó) còn có nghĩa là công an phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra dấu hiệu bạo lực sẽ báo cáo ngay”.