Sáng 24/5, Quốc hội họp về Luật nhà ở và Luật xây dựng (sửa đổi) nhưng vào giờ giải lao, chủ đề nóng bên hành lang là câu chuyện xung quanh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách Quốc hội khẳng định: Kinh tế luôn gắn chặt với quốc phòng, chỉ khi đảm bảo được an ninh, chủ quyền quốc gia thì kinh tế mới phát triển được. Đại biểu Quốc hội này cũng lưu ý đến một biểu tượng kinh tế - chủ quyền quốc gia rất đặc biệt: Ngư dân.
Ông cho rằng: “Họ là những cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam trên biển. Đây cũng là lý do chúng ta cần hỗ trợ ngư dân nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay để giúp họ làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền”.
"Việt Nam có chính sách kinh tế độc lập, chủ quyền nhưng phải hội nhập". Ảnh: Nguyễn Dũng. |
Trả lời câu hỏi về sự độc lập trong chính sách kinh tế với Trung Quốc cũng như sự “xâm lấn” đến từ hàng hoá, công nghệ của nước này, ông Hiển nói: “Chúng ta luôn là một nền kinh tế với những chính sách độc lập, chủ quyền nhưng phải hội nhập”.
Đại biểu là Tiến sĩ kinh tế phân tích: Nếu bế quan toả cảng thì tất cả cùng thiệt hại. Trong khi đó, Việt Nam cũng không thể tự sản xuất hết được mọi thứ mà chỉ mạnh ở một số lĩnh vực trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cũng vì thế, nếu tẩy chay những hàng hoá, công nghệ Trung Quốc mà họ thực sự mạnh, là đầu vào cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam thì hại nhiều hơn lợi.
Tuy nhiên, một đại biểu Quốc hội khác cũng là Tiến sĩ kinh tế - ông Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia) cảnh báo: “Nhập khẩu những nguyên liệu, máy móc là đầu vào cho quá trình sản xuất còn chấp nhận được. Nhưng nhập cả que tăm, đôi đũa… cùng rất nhiều hàng hoá mà Việt Nam đã sản xuất tốt thì không ổn”.
Ông Ngoạn nhận xét, ngay cả với nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp Việt cũng nên cân nhắc tìm nguồn khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hoá, tránh rủi ro. Tiến sĩ Trần Du Lịch – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng kể cả khi nguồn nguyên liệu của Trung Quốc là tốt thì cũng nên tìm kiếm thêm nguồn từ quốc gia khác. “Ngay cả khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tốt đẹp thì chúng ta cũng không nên lệ thuộc vào họ”, ông Lịch nói.
"Giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc cần có thời gian". Ảnh: Nguyễn Dũng. |
Về giải pháp tránh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, đây là việc cần có thời gian. Vị lãnh đạo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nói rằng, để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc thì sức cạnh tranh, cũng như hiệu quả của doanh nghiệp trong nước cần được cải thiện. Trong vài năm gần đây, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến nhiều từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong khi doanh nghiệp trong nước liên tục gặp khó khăn. “Đây chính là vấn đề”, ông Ngoạn nhận định.
Khi được hỏi về biện pháp ngăn chặn hàng hoá Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, ông Phùng Quốc Hiển cho biết: “Chúng ta đã tham gia WTO (Tổ chức thương mại thế giới) và sắp tới là TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) nên việc xử lý không thể dựa vào các biện pháp hành chính đơn thuần, còn thuế cũng phải theo quy định”. Chuyên gia này cho rằng, ngay cả khi áp dụng biện pháp là hàng rào kỹ thuật thì cũng cần cân nhắc mức độ bởi trong một thế giới hội nhập, việc Việt Nam làm cũng có thể vấp phải cách ứng xử tương tự đến từ Trung Quốc.
“Đúng là không nên nhập các hàng hoá, công nghệ kém chất lượng nhưng quan trọng không phải là việc tẩy chay hàng hoá, công nghệ Trung Quốc mà chiến lược của chúng ta là gì? Việt Nam đã có rất nhiều bài học cũ trong lĩnh vực kinh tế với Trung Quốc nhưng chưa rút được kinh nghiệm. Điển hình là nhiều năm nay, hàng nghìn xe dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, hàng hoá bị hỏng, thiệt hại lớn…. nhưng sự việc vẫn tiếp tục xảy ra mà không có biện pháp nào cải thiện. Cái này thì phải nhìn lại mình trước đã”, ông Hiển nói.