Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quan hệ tốt đẹp cũng không nên phụ thuộc Trung Quốc'

Ông Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam đang chuyển sang nền công nghiệp sản xuất thì nên giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc và đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Trao đổi với Zing.vn về tác động đến các hoạt động kinh tế do căng thẳng quan hệ chính trị Việt Nam – Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói:

"Dù quan hệ tốt đẹp cũng không nên phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Trung Quốc có xấu đi nhưng chúng ta không nên quá bi quan về thương mại giữa 2 bên, bởi đây là quan hệ hỗ tương. Các doanh nghiệp nên có sự bình tĩnh tính toán trong chiến lược, đặc biệt là những công ty phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.

- Doanh nghiệp Việt Nam hay Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn khi căng thẳng chính trị giữa 2 nước xảy ra?

- Trước mắt, có thể nhìn thấy là cả 2 bên đều thiệt hại. Xét về mặt thị trường thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn vì họ xuất sang Việt Nam lớn: Nếu ta xuất 13 tỷ USD thì họ xuất sang mình tới 37 tỷ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang gia công phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc cũng sẽ khó khăn.

- Những doanh nghiệp Việt Nam có kinh doanh với đối tác Trung Quốc cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại khi có căng thẳng chính trị giữa 2 quốc gia?

- Thứ nhất, dù quan hệ giữa 2 quốc gia có tốt hay xấu thì vẫn không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Việt Nam đang chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất thì cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hoá thị trường chứ không nên cứ mãi gia công dựa trên nguyên liệu Trung Quốc.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần định hướng lại chiến lược kinh doanh về thị trường, tái cấu trúc để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu từ nước ngoài mà cần đa dạng hơn. Trước đây, việc này các doanh nghiệp làm chậm, bây giờ sẽ là cơ hội để đẩy nhanh.
Thứ ba, các doanh nghiệp không nên bi quan với tình hình bởi quan hệ kinh tế vẫn diễn ra tương đối bình thường.

- Ông nghĩ gì về cơ hội đẩy mạnh chiến lược kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” vào thời điểm này?

- Tôi nghĩ rằng, kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không nên chỉ nói đến việc không dùng hàng Trung Quốc. Chúng ta cần xây dựng ý thức về dân tộc, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia… Một sản phẩm của Việt Nam chỉ tốt khi tự nó đứng vững trên thị trường nội địa.

Người Hàn Quốc và Nhật Bản rất mạnh về tinh thần dân tộc khi sử dụng sản phẩm nội địa. 97% người giàu Hàn Quốc dùng ô tô trong nước mà không dùng sản phẩm nước ngoài. Nếu chúng ta xây dựng được tinh thần như vậy mới tốt chứ không phải là bài hàng Trung Quốc.

- Hiện nay, các doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần yêu nước ra sao?

- Thiết thực nhất là họ phải mạnh dạn cấu trúc lại, nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế. Nếu cứ để sức cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) thì khó gọi là yêu nước được.
3 năm qua doanh nghiệp FDI vẫn đứng vững trong khủng hoảng còn doanh nghiệp Việt Nam lảo đảo. Chúng ta phải nhìn lại mình và tìm ra tại sao cạnh tranh kém. Tôi nghĩ rằng, xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam mạnh là thể hiện tinh thần yêu nước.

Hoàng Ly

Bạn có thể quan tâm