Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ung thư do thực phẩm bẩn là gánh nặng của TP HCM

Theo nhiều đại biểu HĐND TP HCM, hoạt động bán thực phẩm bẩn, nhiễm độc và sử dụng hóa chất bảo quản rất phổ biến, là nguồn cơn của các loại bệnh nguy hiểm.

Mặc dù TP HCM đạt 23/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội nhưng theo nhiều đại biểu HDND, vẫn còn tình trạng ngập nước, kẹt xe, thực phẩm bẩn khiến người dân bức xúc.

Điệp khúc ngập nước, kẹt xe

Tại kỳ họp 20 HĐND TP HCM khóa 8 sáng 8/12, nhiều đại biểu cho biết, thời gian qua, khi có mưa lớn hay triều cường thì khu vực trung tâm TP và ngoại thành ngập nặng, gây khó khăn cho đời sống người dân.

Ngoài những khó khăn khách quan như dân số đông, kinh phí hạn hẹp, triều cường và mưa cùng một lúc… còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý, điều hành chống ngập nhiều bất cập, thiếu đồng bộ do phân cấp trong việc chống ngập không hợp lý.

Chiếc xe cứu thương chết máy giữa đường ở TP HCM. Ảnh: Lê Quân

Theo ông Nguyễn Hoàng Năng - Chủ tịch UBMTTQ VN TP HCM, nhiệm vụ chống ngập được giao cho quá nhiều đơn vị, sở ngành, địa phương thực hiện như Trung tâm điều hành chống ngập, Sở GTVT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, NN-PTNT, các UBND quận huyện… nên tình trạng ngập, chống ngập rồi lại ngập khiến người dân ngán ngại, thiếu tin tưởng vào các giải pháp của cơ quan chuyên môn.

Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang cũng đã trình HĐND TP tờ trình về tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô trên địa bàn. Việc tạm dừng thu phí xe máy từ 1/1/2016.

Thẩm tra tờ trình này, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đã thống nhất với UBND TP. Ông Lâm thông tin, dự kiến thu khoảng 307 tỷ đồng phí xe máy trong năm 2015, nhưng đến thời điểm này chỉ thu được hơn 3 tỷ đồng.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, theo ông Năng tình trạng các loại hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến đang lan rộng, thiếu sự quản lý của các cơ quan chuyên môn. 

Hoạt động bán thực phẩm bẩn, nhiễm độc và sử dụng hóa chất bảo quản rất phổ biến. Đáng lo, hiện nay có tình trạng đa ô nhiễm, một loại rau củ quả tồn đọng tới 3-4 loại hóa chất bảo quản và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đây dẫn đến nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư ngày càng tăng là gánh nặng cho TP.

Đại diện UBMTTQ VN TP đề nghị lãnh đạo UBND chỉ đạo tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác trong vấn đề ăn uống.

Thu ngân sách đạt 267.955 tỷ đồng

Báo cáo tại kỳ họp, ông Tất Thành Cang (Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch UBND) cho biết, thực hiện nghị quyết 28 của HĐND, UBND TP đã ban hành kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển Kinh tế - Xã hội với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Với quyết tâm cao, TP HCM cơ bản hoàn thành nhiệm 23/25 chỉ tiêu do HĐND đề ra. Theo ông Cang, kinh tế TP phát triển ổn định, tăng trưởng khá cao, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Tổng sản phẩm nội địa tăng 9,8%, cao nhất trong 3 năm qua (năm 2012 là 9,2%; 2013 là 9,3 và 2014 là 9,6%).

Các đại biểu tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa 8. Ảnh: T.Nguyên

"Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, ước năm 2015 tăng 1%. Hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách, ước đạt 267.955 tỷ đồng (100,82% dự toán, tăng 7,79% so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 62,82 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt 26,57 USD (tăng 9,9% so cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu đạt 32,77 tỷ USD (tăng 6,2% so cùng kỳ)", ông Cang cho biết.

Theo ông Cang, năm qua, TP HCM phát triển 8,56 triệu m2 nhà ở, diện tích nhà ở/người đạt 17,32 m2. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của TP còn hạn chế, công tác quản lý và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông phức tạp, việc tăng dân số nhanh và phương tiện cá nhân gây nhiều áp lực cho hạ tầng TP. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu tiêu cực vẫn còn gây bức xúc trong nhân dân.

Theo ông Cang, mục tiêu năm 2016, TP cần tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, tăng trưởng cao hơn 2015 gắn với chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế của TP đi vào chiều sâu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Khẩn trương triển khai các chương trình đột phá, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước, kẹt xe, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Cang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức đáp ứng nhu cầu phát triển TP trong tình hình mới. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để giải quyết triệt để bức xúc của người dân.

12 chỉ tiêu chủ yếu của TP HCM năm 2016

1/ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8%.

2/ Tỷ trọng đóng góp các yếu tốc năng suất tổng hợp vào GRDP đạt 35% trở lên.

3/ Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 30% GRDP.

4/ Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 75%.

5/ Tạo việc làm mới cho 125.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%.

6/ Giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

7/ 100% hộ dân TP được cấp nước sạch.

8/ Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới năm 2016 đạt 8 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17,85 m2.

9/ Tỷ lệ phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học 3 -18 tuổi đạt 248 phòng học.

10/ Đạt số 16 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân.

11/ Phấn đấu tỷ lệ xử lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế đạt 100%.

12/ Một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số hiệu quả quản trị hành chánh công cấp tỉnh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số cải cách hành chính.

Trường Nguyên - Võ Thuận

Bạn có thể quan tâm