Bài viết thể hiện quan điểm của ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từ 1/1/2018, các cây xăng trên toàn quốc đồng loạt dừng bán xăng A92 để thay vào đó là xăng sinh học E5. Sau một tuần đầu tiên, những biến động trong tâm lý người dùng và thị trường xăng dầu cho thấy có vẻ đây là một quyết định hành chính vội vàng.
Người dùng vẫn còn e ngại dùng xăng E5. |
Tâm lý e ngại dùng xăng E5 vẫn khá phổ biến. Điều này là bình thường, bởi nhiều chuyên gia từ các hãng xe đang phân phối tại Việt Nam vẫn chưa có sự khẳng định, hoặc đưa ra những khuyến cáo về các vấn đề bất lợi có thể xảy ra khi sử dụng loại xăng này, đặc biệt là các loại xe thế hệ cũ, sản xuất trước năm 2008.
Trong khi đó, hiện tại cũng chưa có bất cứ sự cam kết nào từ phía các cơ quan liên quan nào, ví dụ như bảo hiểm, liên quan đến việc bồi thường nếu xe bị hư hại khi sử dụng xăng E5 thay A92.
Sự nghi ngại đối với xăng E5 đẩy người tiêu dùng sang sự lựa chọn duy nhất còn lại, đó là xăng A95.
Và tác động của việc này ngay lập tức khiến xăng A95 đột ngột tăng giá thêm hơn 800 đồng/lít trong khi xăng A95 là mặt hàng Nhà nước không quản lý giá do đây là mặt hàng cao cấp, không phổ biến.
Xét về mặt thị trường, quyết định đồng loạt thay thế xăng A92 bằng E5 khiến người tiêu dùng bị buộc phải thay thế một mặt hàng truyền thống, có sự kiểm soát giá cả, bằng những mặt hàng mới, chưa có thời gian kiểm nghiệm sự an toàn, và một mặt hàng cao cấp hơn, chưa được kiểm soát giá. Ở khía cạnh này, quyền của người tiêu dùng đã không được đảm bảo khi mất khả năng lựa chọn.
Việc thay thế xăng A92 bằng xăng E5 được xác định vì mục đích bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định này được thực hiện, chưa có bất cứ nghiên cứu nào được công bố về tác động môi trường của xăng E5.
Việc trộn 5% xăng sinh học vào xăng truyền thống sẽ giảm hiệu ứng môi trường như thế nào? Và việc loại bỏ xăng A92 nhưng người dùng sử dụng xăng A95 để thay thế thì có mang lại tác động như mong muốn hay không?
Thêm vào đó, hiện nay nguyên liệu để sản xuất xăng sinh học ở trong nước vẫn chủ yếu là sắn (mỳ). Đây cũng là một vấn đề cần làm rõ khi đã có không ít những nghiên cứu cho thấy việc trồng đại trà cây sắn (mỳ) là một nguyên nhân khiến diện tích rừng ở Việt Nam bị thu hẹp trong những năm gần đây.
Việc thay thế xăng A92 bằng xăng E5 chắc chắn sẽ tạo động lực cho việc gia tăng sản xuất xăng sinh học, đồng nghĩa với diện tích các vùng nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng lên. Ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường nhờ sự thay thế này có lý do để hoài nghi.
Thay thế triệt để sự lựa chọn nhiên liệu của một quốc gia là một chính sách lớn, không chỉ tác động trực tiếp tới người dùng, mà còn tác động lớn tới sự dịch chuyển của các ngành nghề sản xuất. Một chính sách như vậy cần được nghiên cứu, đánh giá một cách chi tiết và kỹ lưỡng những phạm vi tác động chứ không thể chỉ ban hành như một mệnh lệnh.