Trước đây, khi thị trường còn 3 loại là xăng RON 92, RON 95 và E5, thì trong các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, Liên bộ Tài chính - Công Thương luôn cập nhật thông tin đối với RON 92 và E5. Tuy nhiên, kỳ điều hành ngày 5/1 vừa qua, khi thị trường chỉ còn E5 và RON 95 thì thông tin tăng giá RON 95 không được công bố trong văn bản của Bộ Công Thương.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện Bộ Công Thương cho biết xăng RON 95 vốn là loại không phổ biến nên kỳ điều hành giá vừa qua, giá cơ sở không được xem xét công bố. Nhiều chuyên gia cho rằng việc công bố giá cơ sở - căn cứ để các doanh nghiệp định giá bán lẻ - đối với xăng RON 95, là cần thiết.
Thậm chí, một số ý kiến cho rằng không công bố giá cơ sở của xăng RON 95 khiến nhiều người hoài nghi về tính minh bạch của việc tăng giá, nhất là vào thời điểm xăng RON 92 vừa bị xóa sổ, thay thế bằng xăng E5.
Bán loại xăng nào thì phải có công bố giá cơ sở
Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng liên Bộ Tài chính - Công Thương nên công bố giá cơ sở của xăng A95.
Giá xăng E5 đang rẻ hơn khoảng 2.000 đồng/lít so với RON 95. Ảnh: Hiếu Công. |
“Khi bán loại xăng nào ra thị trường phải có công bố giá cơ sở. Điều đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Ruệ nói.
Theo ông Ruệ, khi điều chỉnh giá, có bao nhiêu loại xăng thì phải công bố minh bạch để người tiêu dùng hiểu, ngoài ra cũng cần tạo sự thống nhất về mặt thị trường.
“Không công bố giá cơ sở xăng RON 95 rõ ràng là không bình đẳng với các loại xăng khác. Cần phải xem lại vị trí, vai trò giá cơ sở của những loại xăng này như thế nào. Trên thị trường có cần giá cơ sở không, nếu không cần thì bỏ luôn đi”, ông Ruệ nói thêm.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng Nhà nước vẫn có sơ sở để kiểm soát giá của những loại xăng không công bố giá cơ sở.
Theo ông Thỏa, Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu quy định xăng phải công bố giá cơ sở. Trong Nghị định 83 có nói đến một số loại xăng nhưng gộp lại là xăng khoáng và xăng sinh học. Trước đây chỉ công bố xăng RON 92, sau này thì bổ sung thêm xăng sinh học E5.
“Nghị định 83 không ghi bắt buộc phải công bố giá cơ sở của xăng RON 92. Nhưng RON 92 là loại phổ biến và thông dụng nên được chọn để công bố giá cơ sở. Chúng ta có quy định về công thức cho các loại xăng tính giá cơ sở. Giá các loại xăng khác có thể không được công bố, nhưng cũng có công thức tính riêng theo chỉ số octan. Do đó, không cần thiết phải công bố các loại xăng khác”, ông Thỏa nói.
Cũng theo ông Thỏa, trước kia có 3 loại xăng là RON 92, RON 95 và RON 83. Loại thông dụng là RON 92 để công bố giá cơ sở. Hai loại còn lại sẽ tính giá theo công thức riêng căn cứ vào chỉ số octan. Doanh nghiệp tự quyết định giá thì cũng không thể vượt qua được công thức theo chỉ số octan giữa RON 92 với RON 95 và giữa RON 92 với RON 83.
Khó quản doanh nghiệp tăng giá đúng hay không
Tuy nhiên, ông Thỏa cũng nhấn mạnh hiện tại đã khai tử xăng RON 92 thì dứt khoát phải công bố giá cơ sở của xăng RON 95.
“Đó là chuyện bình thường theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý, đáp ứng mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Cũng cần công bố chỉ số octan của xăng sinh học so với RON 95 là bao nhiêu. Nếu không khó có cơ sở để còn giám sát, người tiêu dùng nghi ngờ có lý, có cơ sở", ông Thỏa nói.
Theo chuyên gia, cần công bố giá cơ sở đồng đều tất cả các loại xăng. Ảnh: Hiếu Công. |
Nói về nguy cơ nếu không công bố giá cơ sở xăng RON 95, ông Thỏa nhấn mạnh đến việc khó quản lý giám sát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, để doanh nghiệp tự quyết định cũng khó kiểm soát được họ tăng giá đúng hay không đúng. Người tiêu dùng có cơ sở để nghi ngờ về chuyện không công khai minh bạch như những gì Nghị định 83 đã quy định.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng đồng tình với việc phải công bố giá cơ sở công bằng tất cả các loại xăng. Nếu không, theo ông Doanh, có thể bỏ việc điều hành giá.
Ông Doanh nhấn mạnh trước đây xăng RON 95 được coi là không phổ biến, nhưng nay đang được sử dụng rộng rãi.
"Quản lý Nhà nước, ở đây tổ điều hành giá cần linh hoạt, nắm bắt để công bố đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Qua đó thể hiện tinh thần Chính phủ hành động, cải cách, lắng nghe hơi thở cuộc sống để điều chỉnh cho phù hợp", chuyên gia này bày tỏ.