Từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Trong nhiều cuộc làm việc với các đối tác lớn như Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB)… ông đều yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ điện tử có vai trò quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị công, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy vậy, trong bài viết với chủ đề “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam”, ông thừa nhận việc triển khai chưa được như mong muốn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, để đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tận dụng năng lực của khối tư nhân và xây dựng được các ứng dụng phục vụ người dân và hoạt động quản trị điều hành.
Thứ hạng khiêm tốn về Chính phủ điện tử
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc vẫn ở mức trung bình. Theo xếp hạng mới nhất giai đoạn 2016-2017, Việt Nam tăng 1 bậc, đang xếp 88/193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6. Ông nhấn mạnh kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm, nhiều nơi thực hiện hình thức. Đặc biệt là việc triển khai chậm cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin…
“Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng, tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ công việc còn nặng tính thủ công, giấy tờ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu.
Ông cũng chỉ ra thực trạng còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý.
“Chúng ta cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính, đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin”, ông chia sẻ.
Ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng sắp tới Chính phủ sẽ đặt trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ ưu tiên từ nay đến 2020. Ngoài hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định liên quan, Chính phủ đặt mục tiêu thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Những ứng dụng này giúp phục vụ việc quản lý, điều hành theo hệ thống thông tin không giấy tờ.
Giải pháp triển khai các ứng dụng hỗ trợ phục vụ người dân và doanh nghiệp mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra đã được nhiều địa phương áp dụng và ngày càng hiệu quả.
Theo thống kê, đã có 40/63 tỉnh thành khai thác ứng dụng Zalo trong việc hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính và công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
40/63 tỉnh thành đã ứng dụng Zalo để cải cách hành chính. Ảnh: Zalo. |
Cụ thể, các thủ tục có thể khai thác trên Zalo trong công tác cải cách hành chính như: Nộp hồ sơ trực tuyến; tra cứu thông tin và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng đối với cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; đăng ký giao, nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính…
Khi tích hợp Zalo, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến; tra cứu thông tin và kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Lợi ích mang lại còn giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, tạo sự thuận lợi, dễ dàng trong thực hiện thủ tục hành chính.
Zalo góp phần giúp thăng hạng cải cách
Từ việc ứng dụng Zalo nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, nhiều địa phương đã thăng hạng nhanh chóng trong các bảng xếp hạng cải cách. Trong tháng 3 và 4, hai chỉ số quan trọng về cải cách được công bố là PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Đây được coi là 2 thước đo mức độ hài lòng của cộng đồng với những nỗ lực cải cách của chính quyền trong năm.
Chỉ số PCI năm nay chứng kiến sự dẫn đầu của các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam… Còn những tỉnh có chỉ số PAPI cao nhất là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…
Trong bảng xếp hạng PAPI và PCI năm nay không khó để nhận thấy những địa phương có thứ hạng cao đều đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị và cung ứng dịch vụ công tới người dân và doanh nghiệp. Và hầu hết các tỉnh này đều chọn Zalo để triển khai mô hình dịch vụ công 4.0.
Lãnh đạo Cà Mau chứng kiến lễ ký kết hợp tác với Zalo. |
Điển hình, so sánh chỉ số PCI năm 2017 và 2018, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đều thăng hạng và đứng ở các vị trí dẫn đầu. Đây cũng là những tỉnh đã và đang triển khai ứng dụng Zalo trong năm 2018.
Tại Quảng Ninh, địa phương dẫn đầu chỉ số PCI 2018, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lê Ngọc Hân miêu tả Zalo là “hữu ích”, “quan trọng” và “miễn phí”. Bà nhận định ứng dụng giúp người dân, doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn trong việc làm thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước.
Không chỉ các chủ trương, chính sách mà còn cả những thông báo khẩn cấp liên quan đến tình hình bão lũ, dịch bệnh, cách hướng dẫn phòng tránh.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải khẳng định ứng dụng Zalo giải quyết thủ tục hành chính là một trong những nỗ lực và giải pháp của tỉnh nhằm cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.