Đầu tháng 7, Tencent bất ngờ xóa hơn một chục nhóm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQI) khỏi WeChat - dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang siết chặt các hoạt động đa dạng giới trên Internet.
Ở Trung Quốc rất khó vận hành một tổ chức thiểu số tính dục và cũng khó vận hành một công ty công nghệ, trong bối cảnh cả hai lĩnh vực bị siết chặt kiểm soát, theo Chuncheng Liu, nghiên cứu sinh về sức khỏe cộng đồng tại Đại học California San Diego.
Nhưng một công ty Trung Quốc đang phát triển mạnh trong khi làm được cả hai điều này.
Từ trụ sở chính ở Bắc Kinh, BlueCity đã âm thầm xây dựng đế chế hẹn hò LGBTQI lớn nhất ở Trung Quốc và trong khu vực, cạnh tranh với các đối thủ như Match Group có trụ sở Mỹ, chủ sở hữu ứng dụng Tinder.
Đó là Blued, dịch vụ hẹn hò và livestream dành cho nam giới đồng tính và song tính với hơn 60 triệu người dùng trên toàn thế giới. Blued vượt qua Grindr vào năm ngoái ở Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Sau khi niêm yết trên sàn giao dịch NASDAQ vào năm 2020, BlueCity đã mở rộng bằng cách mua lại Lesdo, một trong những ứng dụng hẹn hò đồng tính nữ lớn nhất ở Trung Quốc và Finka, mạng xã hội dành cho những người đồng tính nam và song tính trẻ tuổi.
Nổi tiếng với dịch vụ hẹn hò, nhưng BlueCity sống sót và thành công ở thị trường Trung Quốc nhờ định vị mình là một nền tảng chăm sóc sức khỏe. Kể từ khi thành lập, BlueCity đã điều hành một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào HIV và dần dần gắn mình vào các sáng kiến y tế công cộng chống HIV của Trung Quốc.
Biển quảng cáo nhân dịp BlueCity niêm yết trên NASDAQ tháng 8/2020. Ảnh: Global Times. |
Giờ đây, công ty này đang mở rộng sang lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe một cách chính thức hơn, mở nhà thuốc kỹ thuật số và bệnh viện trực tuyến dành cho nam giới Trung Quốc. “Với lịch sử lâu dài phục vụ cộng đồng LGBTQI, chúng tôi hiểu về nhu cầu và mối quan tâm của họ”, nhà sáng lập kiêm CEO Baoli Ma của BlueCity, nói với Rest of World.
Ẩn mình sau dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa một ứng dụng hẹn hò đồng tính khác, Zank, sau khi cáo buộc nền tảng này lưu trữ nội dung khiêu dâm. BlueCity cho đến nay đã tránh được một số phận tương tự.
Việc nhấn mạnh vào các dịch vụ y tế đã giúp BlueCity sinh tồn trong lĩnh vực nhạy cảm liên quan tới LGBTQI ở Trung Quốc.
"Blued có thể vận hành ở Trung Quốc vì nó được định vị chủ yếu là một nền tảng chăm sóc sức khỏe, thay vì một nền tảng cho đồng tính nam", Lik Sam Chan, giáo sư nghiên cứu tính chính trị của các ứng dụng hẹn hò tại Đại học Hồng Kông, cho biết.
Blued đã pha loãng các yếu tố tình dục trong hoạt động kinh doanh, và thường xuyên tự quảng cáo như một nền tảng chăm sóc sức khỏe. Trang web tiếng Trung của BlueCity hiếm khi đề cập đến các thuật ngữ như “đồng tính nam” hoặc “LGBTQI”, thay vào đó họ sử dụng các từ chung chung hơn như “đa dạng” và “cộng đồng” để hướng tới nhóm thiểu số tính dục.
“Để tồn tại, công ty này cố gắng đảm bảo rằng nó sẽ không coi nó là một tổ chức hoạt động đồng tính", Chan nói.
Mặc dù Trung Quốc bày tỏ ủng hộ quyền của người đồng tính tại Liên Hợp Quốc, nước này không công nhận hôn nhân đồng giới và thường xuyên kiểm duyệt các nội dung truyền thông liên quan đến người đồng tính.
“Các dịch vụ Blued mang lại nhằm giúp thúc đẩy kết nối và nâng cao hạnh phúc của cộng đồng LGBTQI, trong bối cảnh còn nhiều thách thức", Ma nói.
Ứng dụng Blued trong tay một người dùng ở Thượng Hải. Ảnh: China Daily. |
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới nhất của BlueCity là ứng dụng He Health “đính kèm” theo Blued. Ra mắt vào năm 2019, ứng dụng này tư vấn cho đàn ông ở Trung Quốc về các vấn đề sức khỏe mà họ muốn giữ kín. “Một số người dùng có các vấn đề sức khỏe mà họ không thể thoải mái nói chuyện với bác sĩ", Hui Xue, giám đốc phụ trách y tế của He Health cho biết.
Ban đầu, nền tảng này hoạt động như một hiệu thuốc - người dùng gửi đơn thuốc trực tuyến và sẽ có người giao thuốc tận nơi. Đến tháng 4, BlueCity đã có giấy phép bệnh viện trực tuyến, và bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa.
Người dùng có thể lên lịch các cuộc hẹn khám trực tuyến, tham khảo ý kiến bác sĩ, nhận đơn thuốc điện tử và đặt giao thuốc, tất cả đều thông qua Blued hoặc He Health. Về bản chất, BlueCity đã xây dựng một hiệu thuốc và bệnh viện trực tuyến gắn liền với Blued để giải quyết vấn đề sức khỏe tình dục của cùng một tập người dùng.
BlueCity đang tận dụng việc Trung Quốc nới lỏng các quy định về chăm sóc sức khỏe trực tuyến để mở rộng nhanh chóng. Đầu năm nay, He Health đã bắt đầu cung cấp thuốc phòng chống ở 55 thành phố lớn, và sẽ mở rộng lên 100 vào cuối năm.
Trong 2 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt lệnh cấm bán thuốc theo đơn trực tuyến và bắt đầu cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế trực tuyến phát hành đơn thuốc. Trong quý II/2021, BlueCity cho biết họ đã tạo ra doanh thu 2,4 triệu USD từ các dịch vụ y tế.
Quan hệ đôi bên cùng có lợi
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ của BlueCity chỉ là phần nổi trong chiến lược "sinh tồn" lâu dài. Trong hơn một thập kỷ qua, BlueCity đã hợp tác với các tổ chức y tế của chính phủ, từ từ biến nền tảng của mình trở thành một phần trong chiến dịch chống lại HIV/AIDS của Trung Quốc. Vào đầu những năm 2010, Trung Quốc có hơn 500.000 người sống chung với virus.
CEO Baoli Ma của BlueCity chụp ảnh với biển quảng cáo dự án BluedBaby. Ảnh: Bloomberg. |
Mối quan hệ giữa Blued và chính phủ Trung Quốc là đôi bên cùng có lợi. “BlueCity muốn có quan hệ tốt với chính phủ, và chính phủ cũng cần Blued làm nền tảng để theo dõi và phòng ngừa HIV”, Liu, người đã trả tiền để thực hiện các cuộc khảo sát về HIV thông qua Blued, cho biết.
Có những thời điểm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc khó tiếp cận cộng đồng người đồng tính. Các quan chức y tế công cộng thường không biết về nhu cầu của những người đồng tính nam, trong khi nhiều người đồng tính lo ngại bị chính phủ lập hồ sơ về tiền sử tình dục và tình trạng nhiễm HIV của họ, theo Chan, người đã từng nhiều lần phỏng vấn các nhân vật chủ chốt của BlueCity, bao gồm Ma.
Tháng 3/2021, BlueCity thông báo ngừng cung cấp dịch vụ BluedBaby, dịch vụ kết nối các cặp đồng tính nam ở Trung Quốc với dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ và Canada, cùng thời điểm xảy ra vụ bê bối của một nữ diễn viên Trung Quốc thuê người đẻ thuê ở Mỹ.
“Việc mang thai hộ đã trở nên quá nhạy cảm trong 2 năm qua. Họ đã từ bỏ dự án vì lo ngại bị nhìn nhận như một công ty LGBTQ", Liu nói. Ma thì cho biết quyết định này phản ánh sự tập trung của công ty vào các dịch vụ y tế
Ma tỏ ra lạc quan về tương lai của công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: “Các dịch vụ liên quan đến sức khỏe chắc chắn sẽ là động lực tăng trưởng của chúng tôi trong vài năm tới".