Ùn tắc kéo dài, bảo vệ dựng rào chặn xe đi trên vỉa hè
Thứ ba, 19/4/2016 10:08 (GMT+7)
10:08 19/4/2016
Sáng 19/4, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và TP HCM bị ùn tắc kéo dài. Một số nhân viên bảo vệ tòa nhà bên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) kéo rào chắn, không cho xe máy đi lên vỉa hè.
Tại Hà Nội:
Sáng 19/4, ngày đầu công sở đi làm trở lại sau kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Nhiều tuyến đường lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài, trong đó có Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng... Phía dưới chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh không có lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng khiến khu vực này hỗn loạn.
Xe máy chạy ngược chiều tại nút giao Trần Duy Hưng - Trung Kính.
Hàng loạt xe máy, ôtô lao lên vỉa hè. Nhóm nhân viên bảo vệ tòa nhà ở 27 Trần Duy Hưng kéo rào chắn sắt chắn ngang không cho phương tiện qua.
Hàng chục người bị chắn lại, loay hoay tìm cách thoát ra.
Chiếc taxi ngược chiều lên cầu vượt Trần Duy Hưng sau khi tuyến đường này bị tê liệt gần 30 phút.
Tại khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng, tình trạng ôtô nối đuôi nhau kéo dài từ 8h sáng.
Hầm chui Trung Hòa cũng bị ùn ứ khá dài.
Tắc dài nhất là đoạn từ nút giao Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long tới cầu vượt Nguyễn Chí Thanh.
Nhiều phương tiện chôn chân trong buổi sáng đi làm trở lại sau 3 ngày nghỉ.
Trong số các phương tiện tham gia giao thông bị ùn tắc, ôtô chiếm số lượng khá lớn và hầu như lấn hết làn xe máy.
Đoạn đường Phạm Hùng, phía trước cổng bến xe Mỹ Đình cũng lâm vào cảnh tương tự.
Bản đồ khu vực ùn tắc kéo dài dọc trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Tại TP HCM: ngay từ 6h30, khu vực vòng xoay đại lộ Phạm Văn Đồng-Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm-Bạch Đằng-Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp-Phú Nhuận) xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài. Nghiêm trọng nhất là ở đường Nguyễn Kiệm.
Giữa tiết trời oi bức vào buổi sáng, hàng nghìn người nhích từng nửa mét.
Ông Nguyễn Tân Huy (quận Gò Vấp) cho biết, vào giờ cao điểm hàng ngày đi làm ông chỉ mất 15 phút nhưng hôm nay ông đã phải chôn chân tại đây 30 phút.
Một số công nhân phải tạm dừng xe bên vỉa hè, chờ bớt kẹt xe để đi tiếp.
Lối đi bộ ngang đường không còn chỗ trống, nhiều người phải len lỏi vào giữa dòng xe để qua.
Hàng loạt xe buýt bị bao vây giữa rừng xe máy. Đến 9h30, giao thông khu vực vòng xoay này mới trở lại bình thường.
Tại đường Trường Chinh, cửa ngõ độc đạo khu vực phía Tây Nam vào trung tâm TP cũng trong tình trạng tương tự. Dòng xe cộ từ các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Hóc Môn đổ về khiến tuyến đường đặc kín kéo dài từ mũi tàu Trường Chinh-Cộng Hòa đến đường Phạm Văn Bạch.
Khu vực xung quanh như Trường Chinh-Tân Kỳ Tân Qúy, Út Tịch, Phạm Văn Bạch cũng bị ảnh hưởng.
Bản đồ khu vực ùn tắc nhất ở TP HCM sáng 19/4.
Trao đổi với Zing.vn, thiếu tá Trịnh Tiến Thành - Đội trưởng đội CSGT số 6 - CATP HN cho biết, sáng 19/4, ban lãnh đạo huy động 35 cán bộ chiến sĩ phân luồng, dẫn đoàn lãnh đạo họp tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Các phương tiện từ Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Giám, Trung Kính hướng lên Nguyễn Chí Thanh bị ùn ứ lâu hơn so với ngày thường.
Trước phản ánh giao thông tê liệt 2 giờ tại gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, vị đội trưởng cho biết, do lực lượng tập trung đảm bảo an toàn giao thông cho một hội nghị ở Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình nên việc tổ chức phân nút giao này bị hạn chế.
Ngoài ra, tại nút giao Tôn Thất Thuyết - Phạm Hùng; Hồ Tùng Mậu - Quốc lộ 32 cũng ùn ứ ngày đầu đi làm sau dịp nghỉ lễ.
6 ngày sau khi công trình hầm chui Thanh Xuân khánh thành, nút giao từng được coi là một trong những nơi khốn khổ nhất thủ đô đã có dấu hiệu giảm ùn tắc, kể cả vào giờ cao điểm.
Tối 14/1, do lượng xe cộ tăng đột biến, nhiều lái xe không tuân thủ đèn tín hiệu đã làm cho các tuyến đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Dương Đình Nghệ (Hà Nội) ùn tắc kéo dài.
Một ngày sau khi thông xe kỹ thuật, tình trạng giao thông trên đường vành đai 2 (Nhật Tân - Cầu Giấy, Hà Nội) rất lộn xộn. Nhiều người đi ngược chiều, không tuân thủ biển báo.