Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ukraine theo đuổi chiến thuật thủy lực gần sông Dnieper?

Nhiều khu vực quanh Kyiv đã ngập nặng kể từ khi chiến sự nổ ra, đây có thể là chiến thuật được quân đội Ukraine sử dụng để cản bước tiến của xe tăng Nga.

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies chụp hôm 21/2 cho thấy nước lụt đang ngày một dâng cao ở lưu vực sông Irpin, phía tây thủ đô Kyiv. Trước đó, nước từ một con đập trên sông Dnieper đã làm ngập khu vực sông Irpin và các nhánh phụ của con sông này.

Sông ở Iprin đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tấn công Kyiv của quân đội Nga. Nếu không thể vượt sông Iprin, quân Nga sẽ không thể thể vây hãm Kyiv từ phía Tây. Hơn nữa lúc này, lưu vực sông Irpin không phải nơi duy nhất quanh Kyiv bị ngập úng, theo CNN.

Nga tan cong Ukraine anh 1

Tình trạng ngập lụt xảy ra ở lưu vực sông Irpin. Ảnh: Maxar.

Vì sao khu vực quanh Kyiv ngập úng?

Từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, thủ đô Kyiv và các khu vực lân cận đã trở thành mục tiêu không kích và pháo kích dữ dội của hỏa lực Nga.

Nga ban đầu sử dụng lực lượng đặc nhiệm và đổ bộ đường không đánh chiếm sân bay Antonov cách thủ đô Kyiv 20 km về phía tây, hòng biến nơi này thành cứ điểm đổ bộ cho các đơn vị lớn hơn.

Bên cạnh đó, một cánh quân Nga từ Belarus tràn qua biên giới, tiến thẳng về phía Kyiv. Một cánh quân khác của Nga từ hướng đông bắc bỏ qua một số thành phố như Chernihiv, áp sát Kyiv nhằm bao vây thủ đô Ukraine từ nhiều phía.

Ngay khi chiến sự nổ ra, quân đội và các lực lượng dân quân Ukraine nhanh chóng lên phương án hành động nhằm ngăn cản đà tiến công của Nga bằng mọi cách, theo Washington Post.

Phía Ukraine đánh sập một số cây cầu, dùng phương tiện giao thông cỡ lớn lập rào cản trên đường, hay thậm chí tự chế những "con nhím" chống tăng bằng thép.

Những hình ảnh vệ tinh sau đó cho thấy có khả năng Ukraine đã phải dùng đến một trong những chiến thuật cổ xưa nhất cho công cuộc phòng thủ, đó là thủy chiến.

Ảnh chụp của Planet Labs PBC và các tổ chức quan sát khác cho thấy diện tích đất bị ngập úng quanh thủ đô Kyiv đã tăng đáng kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Ngập lụt tại khu vực quanh thủ đô Kyiv. Ảnh: Twitter.

Khi so sánh ảnh của ngày 22/2 và 28/2, có thể thấy rõ diện tích khu vực sẫm màu hơn, tác động của nước ngập úng, đã mở rộng hơn nhiều.

Hôm 26/2, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cho biết quân đội Nga đã phá hủy con đập tại một hồ trữ nước gần Kyiv, tạo ra nguy cơ ngập úng cho thủ đô và các vùng lân cận.

Tuy vậy, hiện chưa thể xác minh vụ tấn công này có phải nguyên nhân dẫn tới thay đổi về cảnh quan ở khu vực quanh Kyiv quan sát thấy trên ảnh vệ tinh hay không.

Bởi không có video hay ảnh theo dõi 24 giờ tại khu vực, rất khó để khẳng định bên nào chịu trách nhiệm cho trận lụt quanh thủ đô Kyiv.

Tuy nhiên, Planet Labs dẫn lời các nhà phân tích độc lập nhận định trận lụt nhiều khả năng xảy ra có chủ đích. Đây có thể là cách quân đội Ukraine áp dụng chiến thuật phòng thủ đã có từ hàng nghìn năm trước.

"Khi ở thế phòng ngự, chúng ta sẽ cố gắng tận dụng những gì có trong tay. Xuyên suốt lịch sử, đã có rất nhiều ví dụ các đội quân phòng thủ xây dựng vành đai phòng ngự như tường đá, hầm hào, pháo đài, boong ke. Nhưng người ta thường hay quên rằng sông, đầm lầy và các tuyến phòng thủ bằng nước cũng có thể hữu dụng", Marta Kepe, chuyên gia quốc phòng làm việc tại Rand Corp, nhận định.

Nếu các vùng nước ngập là hệ quả của hành động có chủ đích, "nhiều khả năng Ukraine đang tìm cách dùng nước sông để ngăn lực lượng Nga áp sát Kyiv".

Một số khu vực ngập lụt nằm ở phía bắc Kyiv, bên bờ sông Dnieper. Khu vực này cách không xa nơi Nga từng triển khai một đoàn xe quân sự dài 64 km. Giới chức tình báo Mỹ cho rằng việc đoàn xe bất động tại chỗ trong vài ngày một phần do chiến thuật phòng ngự của Ukraine.

Chiến thuật phòng thủ hiệu quả

Cố ý gây ngập lụt trong thời gian giao chiến là cách để tạo ra hàng rào phòng thủ tự nhiên hoặc tiêu diệt quân đội đối phương. Chiến thuật này có tên "tác chiến thủy lực", một phần trong tổng thể chiến lược phòng thủ, bà Kepe nói.

"Tôi tin rằng người Ukraine đang tận dụng kiến thức vượt trội về địa hình đất nước họ để tạo ra lợi thế. Các hoạt động thủy lực đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về địa hình chiến trường", bà Kepe nói.

Việc nước các con sông quanh Kyiv tràn bờ khiến khu vực mặt đất quanh thủ đô trở thành những bãi bùn lầy khổng lồ. Các phương tiện chiến tranh của Nga như xe tăng, xe thiết giáp chở quân, xe tải không thể hoạt động trong điều kiện này.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Một xe tăng Nga bị bỏ lại trên chiến trường Ukraine. Ảnh: AFP.

"Bùn lầy là kẻ thù của xe tăng. Với một phương tiện nặng từ 40-70 tấn mà trọng lượng dồn hết vào bộ đỡ là hai hàng kim loại, chúng sẽ chìm nghỉm ngay khi đi vào bùn hoặc địa hình đất mềm", một chuyên gia thiết giáp của thủy quân lục chiến Mỹ, nói.

Quân đội Nga có một lựa chọn khác là tiến quân trên các tuyến giao thông chính được trải nhựa, như cách Nga đã làm với đoàn xe 64 km hồi đầu tháng 3. Nhưng tiến quân như vậy tiềm ẩn rủi ro lực lượng Nga trở thành "mồi ngon" cho các trận địa phục kích của quân đội Ukraine.

Lực lượng Ukraine hiện sở hữu hai vũ khí chống tăng với uy lực và hiệu quả đã được kiểm chứng là tên lửa Javelin và tên lửa NLAW. Các đồng minh NATO vẫn tiếp tục viện trợ thêm hai loại tên lửa này cho Ukraine.

Giữa tháng 3, quân đội Nga xây cầu phao nhằm đưa xe cơ giới vượt sông Irpin. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã phá hủy cây cầu này.

Lúc này, lực lượng Nga đã lùi xa thủ đô Kyiv khoảng 70 km, tình báo Anh cho biết. Thay vì sử dụng bộ binh tiến vào thành phố, Nga đang dùng các loại hỏa lực tầm xa như pháo và tên lửa để tấn công Kyiv. Hôm 20/3, Nga bắn tên lửa phá hủy trung tâm thương mại Retroville ở quận Podilsky, Kyiv làm ít nhất 8 người thiệt mạng.

Khu mua sắm ở Kyiv tan hoang Khu mua sắm Retroville ở quận Podilsky, Kyiv bị tấn công bằng tên lửa, khiến 8 người thiệt mạng. Vụ nổ gây thiệt hại lớn cho trung tâm mua sắm, các tòa nhà và ôtô xung quanh.

Vì sao Nga phải kiểm soát bằng được Mariupol?

Mariupol là thành phố bị oanh tạc nhiều nhất tới nay trong cuộc giao tranh tại Ukraine. Có ba lý do khiến nơi đây trở thành mục tiêu then chốt trong chiến dịch của Nga.

Quân đội Nga đang chuyển sang 'kế hoạch B'?

Quan chức Mỹ cho rằng Nga đang chuyển sang chiến lược tìm cách kiểm soát các khu vực quan trọng ở Ukraine nhằm giành lợi thế, gây áp lực để Kyiv chấp nhận thỏa thuận Moscow đưa ra.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm