Yuriy Radchenko, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Ukraine cho biết động cơ RD-250 được sản xuất tại nhà máy Yuzhmash và dùng cho tên lửa đẩy Tsyklon-2, hoặc Tsyklon-3 của Nga.
“Hai loại này là tên lửa đẩy không gian, được chế tạo tại Yuzhmash theo hợp đồng với Nga. Tổng cộng có khoảng 233 tên lửa được sản xuất để phục vụ cho các chương trình không gian của Nga”, ông Radchenko nói AP.
Ông cho biết thêm nhà máy Yuzhmash đã ngưng sản xuất động cơ RD-250 từ năm 2001. Sản phẩm hoàn thành đã được chuyển giao cho phía Nga.
Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Ukraine nói rằng theo thông tin họ có được, Nga còn tồn kho khoảng 7-20 tên lửa đẩy Tsyklon và có thể làm bất kỳ điều gì với động cơ hay bản thiết kế. “Họ có những động cơ này, tài liệu kỹ thuật. Họ có thể cung cấp động cơ, hay tên lửa thành phẩm cho bất kỳ ai họ muốn”, ông Radchenko nói.
Ông Radchenko phủ nhận sự liên quan của Ukraine trong việc cung cấp động cơ RD-250 cho Triều Tiên, hay bất kỳ quốc gia nào khác. Ông cho biết thêm chỉ có Nga hoặc Trung Quốc mới có công nghệ nhiên liệu phù hợp để sử dụng loại động cơ này. Triều Tiên không có công nghệ để sản xuất nhiên liệu cho động cơ RD-250, trừ khi có sự trợ giúp.
Nguồn gốc động cơ sử dụng trên tên lửa Hwasong-14 đang là một ẩn số. Ảnh: KCNA. |
Vị giám đốc bác bỏ báo cáo của New York Times rằng thành công đột ngột của tên lửa Triều Tiên có thể liên quan đến việc mua lại động cơ do Ukraine sản xuất từ thị trường chợ đen.
Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố các công ty quốc phòng của nước này không cung cấp động cơ, hay chuyển giao công nghệ tên lửa cho Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Ukraine Vejdymyr Groysman nói rằng thông tin nước này cung cấp động cơ tên lửa cho Triều Tiên là động thái nhằm "bôi nhọ" uy tín. Kiev tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế trong việc cấm cung cấp công nghệ quân sự cho Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết Triều Tiên không thể sao chép động cơ RD-250 nếu không có sự trợ giúp của các chuyên gia Ukraine, hoặc mua bán lậu động cơ thành phẩm, bản thiết kế từ nước này.
“Để chế tạo một bản sao, bạn cần động cơ mẫu, hoặc bản thiết kế chi tiết và bạn không thể kiểm soát quá trình sản xuất nếu không có các chuyên gia Ukraine. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang nói về hàng nhập lậu, trốn tránh lệnh cấm của Liên Hợp Quốc là rất nghiêm trọng”, Phó thủ tướng Nga viết trên Facebook.
Trước đó, ngày 14/8, New York Times cho hay động cơ tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên có nguồn gốc từ Ukraine, dựa trên phân tích của Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Nhà phân tích Elleman nhận định rằng những động cơ này có thể được mua lậu từ Ukraine tại thời điểm khủng hoảng khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, hoặc cuộc nội chiến đang diễn ra ở nước này từ năm 2014.
Chuyên gia IISS cho rằng Bình Nhưỡng đã từ bỏ nỗ lực sửa đổi động cơ tên lửa OKB-456 của Nga và chuyển sang dùng động cơ RD-250 do Ukraine sản xuất. Dưới thời Liên Xô, động cơ RD-250 được sản xuất tại nhà máy Yuzhmash, thành phố Dnipro, hiện cách khoảng 150 km từ khu vực của phe ly khai.