Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa Triều Tiên khó uy hiếp được đảo Guam của Mỹ

Để tấn công đảo Guam, tên lửa Triều Tiên phải vượt qua hệ thống đánh chặn Aegis BMD và hệ thống THAAD nên giới phân tích hoài nghi khả năng nó uy hiếp được căn cứ quân sự Mỹ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang với những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump và kế hoạch đe dọa tấn công đảo Guam của Bình Nhưỡng.

Ngày 9/8, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào giữa tháng, nước này sẽ phát triển xong kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Kế hoạch sau đó sẽ được trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong Un để ông quyết định có thực thi hay không.

Trước lời đe dọa của Triều Tiên, các nhà phân tích nói rằng Mỹ nên xem xét một cách nghiêm túc việc đánh chặn tên lửa Triều Tiên có ý định tấn công vào vùng biển đảo Guam. Tuy vậy, một số khác tỏ ra hoài nghi tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, CNN cho biết.

Cơ chế hoạt động

Để tấn công đảo Guam, tên lửa Triều Tiên phải bay qua lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa nó phải đối mặt với 2 lớp đánh chặn. Mỹ và các đồng minh có 2 lựa chọn để đánh chặn tên lửa Triều Tiên nhắm vào đảo Guam.

Đầu tiên là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, THAAD ở Hàn Quốc không thể đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm trung hướng về đảo Guam nhưng radar của hệ thống có thể phát hiện sớm vụ phóng.

Trieu Tien doa tan cong My anh 1
Cơ chế hoạt động của lá chắn tên lửa Aegis BMD. Đồ họa: CNN.

Giải pháp đánh chặn đầu tiên là hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis BMD lắp trên chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản. Tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 của hệ thống có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo Triều Tiên từ bên ngoài khí quyển.

Nhật Bản hiện có 4 tàu khu trục lớp Kongo trang bị hệ thống Aegis BMD, cùng với một số tàu chiến Aegis của Mỹ đóng quân tại nước này. Nếu Triều Tiên phóng tên lửa về phía đảo Guam, Nhật Bản có thể sử dụng hệ thống này để đánh chặn vì tên lửa này có nguy cơ đe dọa an ninh Tokyo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, ngày 10/8 nói trước Quốc hội nước này rằng nếu Triều Tiên quyết định phóng tên lửa đến Guam thì Nhật Bản sẽ bắn hạ, theo AP. Nếu tên lửa vượt qua được lá chắn Aegis BMD của Nhật Bản, nó sẽ phải đối mặt với Aegis BMD của Mỹ với lực lượng còn hùng hậu hơn.

Giáo sư Carl Schuster, Đại học Hawaii Pacific nói rằng một chiến hạm trang bị hệ thống Aegis BMD có thể đánh chặn 2 tên lửa. Aegis BMD là thách thức rất lớn đối với tên lửa Triều Tiên.

Trieu Tien doa tan cong My anh 2
Khoảng cách từ Triều Tiên đến đảo Guam khoảng 3.500 km. Đồ họa: Google Maps.

Lá chắn cuối cùng là hệ thống THAAD bố trí trên đảo Guam có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào từ Bình Nhưỡng. Trong các thử nghiệm, hệ thống có hiệu suất đánh chặn thành công tới 100%. Hệ thống được thiết kế để đối phó với nhiều tên lửa cùng lúc.

Tuy nhiên, điều kiện chiến đấu thực tế có thể khác so với thử nghiệm. Mặt khác, hiệu suất đánh chặn của hệ thống còn phụ thuộc vào khoảng cách đến mục tiêu. THAAD có phạm vi tác chiến đối đa khoảng 200 km. Điều đó có nghĩa là càng gần tên lửa mục tiêu, hiệu suất hệ thống càng cao.

Theo kế hoạch của Triều Tiên, họ sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 rơi xuống cách đảo Guam khoảng 40 km. Như vậy, tên lửa sẽ rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của hòn đảo này. Việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ có thể coi là hành động đe dọa an ninh và Washington có quyền đáp trả.

Canh bạc lớn cho cả Mỹ và Triều Tiên

Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng cùng lúc 4 tên lửa Hwasong-12 về phía đảo Guam. Điều này được cho là để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Adam Mount, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết nếu Washington muốn đánh chặn tên lửa, họ phải hạ được tất cả chúng, nếu không sẽ gửi đi thông điệp về sự hạn chế của hệ thống.

Trieu Tien doa tan cong My anh 3
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Ảnh: KCNA.

Đối với Triều Tiên, chỉ cần một tên lửa lọt qua được lá chắn sẽ là thắng lợi lớn của Bình Nhưỡng. Nó cho thấy nước Mỹ có thể bị tấn công ngay cả khi họ có trong tay lá chắn tên lửa nhiều tầng.

Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc) lại có cái nhìn lạc quan hơn, Triều Tiên sẽ hy vọng hệ thống đánh chặn của Mỹ thất bại nhưng ngay cả như vậy, đó cũng không phải là thảm họa.

“Hệ thống phòng thủ Mỹ chưa từng đánh chặn tên lửa trong thực chiến. Do đó, thất bại trong lần đánh chặn đầu tiên sẽ giúp Mỹ hoàn thiện những thiếu sót của hệ thống, nâng cao khả năng tác chiến”, ông Bennett nói.

Nếu Triều Tiên thực hiện việc phóng tên lửa như tuyên bố, đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để Mỹ thử nghiệm hiệu suất đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Washington đã chi hàng trăm tỷ USD.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá thấp khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển của đảo Guam, vì hành động này có thể kéo theo những leo thang ngoài ý muốn. 

Tên lửa Mỹ va vào nhau, phát nổ trong đánh chặn thử nghiệm Ngày 30/7, Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của nước này tại Alaska đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo ở Thái Bình Dương trong một cuộc thử nghiệm.

Lá chắn 200 tỷ USD của Mỹ lung lay trước tên lửa Triều Tiên

Tỷ lệ thành công của hệ thống đánh chặn trên đất liền GMD chỉ là 55% khiến các chuyên gia hoài nghi lá chắn này có thể bảo vệ nước Mỹ trước tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên.


Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm