Tên lửa NASAMS. Ảnh: Kongsberg. |
“Nhìn xem cái gì đây! Các hệ thống phòng không NASAMS và Apside đã tới Ukraine”, ông Reznikov viết trên Twitter, theo Reuters. “Những vũ khí này sẽ gia tăng đáng kể năng lực của quân đội Ukraine và giúp bầu trời của chúng tôi an toàn hơn”.
“Cảm ơn các đối tác của chúng tôi: Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ”, ông Reznikov tuyên bố.
Trước đó, hôm 31/10, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ - người từ chối tiết lộ danh tính khi trả lời phỏng vấn báo chí - cho biết Mỹ sẽ gửi 8 hệ thống tên lửa NASAMS và đạn dược đi kèm tới Ukraine.
“Hai trong số đó sẽ được gửi tới trong thời gian tới, còn 6 hệ thống sẽ được cung cấp sau”, người này nói, theo website của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trong khi đó, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 27/10 tiết lộ một số binh sĩ Ukraine đã được đào tạo để vận hành loại vũ khí này. “Có một chương trình huấn luyện về hệ thống này. Một khi hoàn thành, hệ thống này sẽ sẵn sàng được chuyển tới Ukraine”, bà Singh nói.
NASAMS là hệ thống tên lửa đất phòng không đối không do tập đoàn Kongsberg (Na Uy) và Raytheon (Mỹ) phát triển. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 1/7 cho biết loại vũ khí này nằm trong gói vũ khí được Mỹ tuyên bố viện trợ thêm cho Ukraine cùng ngày.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 7/10 cho biết một số binh sĩ nước này đã được đào tạo tại thành phố Zaragoza (Tây Ban Nha) về cách vận hành hệ thống tên lửa phòng không Apside. Loại vũ khí này là một phần trong gói hỗ trợ quân sự của Tây Ban Nha dành cho Ukraine, Kyiv cho biết.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.