Lời kêu gọi của Phó thủ tướng, đồng thời là Bộ trưởng Chuyển đổi số của Ukraine, Mykhailo Fedorov, được gửi đến Tim Cook trong ngày thứ hai Nga tấn công Ukraine.
“Tôi đã liên hệ với CEO Tim Cook của Apple để ngăn chặn quyền truy cập vào Apple Store của toàn bộ người dân ở Nga, ủng hộ đợt trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga”, ông Fedorov chia sẻ trên trang Twitter cá nhân. Đi kèm với dòng trạng thái này, Phó thủ tướng Ukraine còn đính kèm một lá thư gửi đến Tim Cook.
Hiện Apple chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào với yêu cầu của chính phủ Ukraine. Ảnh: Getty Images. |
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các ông. Năm 2022, công nghệ có lẽ là lời đáp trả tốt nhất cho xe tăng hay tên lửa”, ông Fedorov viết trong thư gửi CEO Apple.
Kết thúc lá thư, ông Fedorov kêu gọi giới trẻ và người lao động tại Nga hoàn toàn có thể phản đối chống lại “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine.
Apple chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào cho lời đề nghị này.
Tuy nhiên, ngày 25/2, CEO Apple có phát ngôn chính thức về tình hình ở Ukraine và tuyên bố sẽ “hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại địa phương”.
“Tôi quan ngại sâu sắc về tình hình chính sự tại Ukraine. Công ty chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ nhân viên của mình tại đây, cũng như hỗ trợ các hoạt động nhân đạo. Tôi luôn quan tâm đến những số phận đang gặp hiểm nguy ngoài kia và cả những cá nhân luôn nỗ lực kêu gọi hòa bình”, Tim Cook chia sẻ trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, nếu Apple đồng ý lệnh ngừng truy cập vào App Store, người dân Nga sẽ bị chặn khỏi các ứng dụng và dịch vụ dùng để lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh, David Kaye, cựu Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc nhận định.
Theo The Verge, ngày 25/2, Nhà Trắng vừa công bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Biện pháp bao gồm lệnh cấm Apple và các công ty khác của Mỹ cung cấp dịch vụ cho quân đội và Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, yêu cầu của Phó thủ tướng Ukraine thậm chí còn nhắm đến việc chặn truy cập diện rộng trên toàn bộ lãnh thổ nước này.
Ngày thứ hai Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, thủ đô Kyiv bị bao vây. Ảnh: AP. |
Đây là lần đầu tiên Ukraine đưa ra yêu cầu chính thức đối với các hãng công nghệ trong bối cảnh Nga xâm lược nước này. Một số nhà mạng viễn thông Mỹ cũng công bố miễn phí cước gọi đường dài đến người dân ở Ukraine.
Quốc gia này đang ra sức dùng các biện pháp công nghệ để chống lại Nga, Cnet cho biết. Hiện chính phủ Ukraine tìm kiếm các tình nguyện viên, “hacker ngầm” để giúp đỡ, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời giúp chống lại gián điệp mạng từ quân đội Nga.
Đứng về phía Ukraine, tập thể hacker Anonymous cũng tuyên bố sẽ tham gia vào chiến tranh mạng chống lại Nga. Nhóm tin tặc khét tiếng cho biết đã đánh sập nhiều website do chính phủ Nga kiểm soát.