Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ukraine không thể chiến đấu bằng lời hứa'

Lãnh đạo Đức, Pháp và Italy đã đến Ukraine vào ngày 16/6 nhằm thể hiện sự ủng hộ của EU, trong bối cảnh lời phàn nàn tại Kyiv ngày càng tăng do việc chậm viện trợ vũ khí hạng nặng.

Trước cuộc gặp, giới quan sát nhận định hai vấn đề mà Ukraine muốn nhà lãnh đạo từ ba nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) làm rõ: Tiến trình viện trợ vũ khí và cái "gật đầu" trong việc phê duyệt tư cách ứng viên EU của Kyiv.

Không có thêm nhiều cam kết viện trợ vũ khí trong cuộc gặp lần này, ngoại trừ việc Tổng thống Pháp Macron nói sẽ viện trợ thêm 6 pháo hạng nặng. Dù vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi ủng hộ "cấp tư cách ứng viên EU cho Ukraine ngay lập tức" trong tuyên bố ngày 16/6.

Trước cuộc gặp, lãnh đạo 3 nước cho biết kiên quyết ủng hộ Ukraine, nói rằng quyền đàm phán kết thúc xung đột với Nga nằm trong tay người Ukraine.

Dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đó cho rằng các lãnh đạo châu Âu vì đã không hỗ trợ Ukraine như kỳ vọng, đặc biệt Đức và Pháp trước đó đã có những tuyên bố khiến Kyiv không hài lòng. Các cam kết viện trợ vũ khí hạng nặng của Berlin chỉ mới dừng lại ở những tuyên bố, và chưa có vũ khí nào đến Ukraine.

“Bạn không thể chiến đấu bằng những lời hứa, nó không giúp ích gì trên thực địa”, Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Zelensky, nói với tờ Der Spiegel ngày 15/6.

Đối mặt với tâm bão

Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron nhiều tuần qua đã trở thành mục tiêu chỉ trích của Kyiv, và chịu áp lực phải thể hiện rõ sự ủng hộ Ukraine sau khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đến Kyiv những tháng trước.

Ông Scholz nhiều lần khẳng định không muốn có một chuyến đi chỉ để “chụp ảnh”, thay vào đó là một hành động “cụ thể”, như ông cam kết hồi tháng 5.

Như nhận định từ hai quan chức Đức trước cuộc gặp, ông Scholz không công bố thêm những kế hoạch viện trợ vũ khí trong ngày 16/6. Trước đó, Berlin đã cam kết chuyển giao nhiều vũ khí hạng nặng, song không đề cập thời gian cụ thể.

Tổng thống Pháp Macron cũng bị giới chức Kyiv chỉ trích khi nhiều lần kêu gọi “không nên làm bẽ mặt Nga” nhằm tìm lối thoát khỏi chiến sự thông qua ngoại giao.

“Những lời kêu gọi tránh làm bẽ mặt Nga sẽ chỉ có thể làm bẽ mặt nước Pháp và mọi quốc gia kêu gọi điều này, vì Nga đã tự làm bẽ mặt mình”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter sau tuyên bố của ông Macron.

lanh dao chau au den Ukraine anh 1

Thủ tướng Đức Scholz (trái) bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky, bên cạnh là Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP.

Hôm 15/6, ông Macron nói rằng Pháp và châu Âu muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine về kinh tế, quân sự và nhân đạo, nhưng cũng muốn hòa bình.

“Tại một thời điểm nào đó, khi chúng tôi đã hỗ trợ hết mức, tôi mong muốn Ukraine sẽ chiến thắng và ngừng bắn", ông Macron nói. "Tổng thống Ukraine và các lãnh đạo của nước này sẽ phải đàm phán với Nga, và châu Âu sẽ ở trong bàn đàm phán đó".

Các cuộc đàm phán chính thức giữa Kyiv và Moscow đã ngưng trệ từ lâu khi chiến sự tăng nhiệt ở miền Đông và chuyển sang đọ sức giữa lực lượng pháo binh - điều Nga đang có ưu thế.

Nhiều người ở Kyiv coi lời kêu gọi đàm phán hòa bình từ châu Âu là một áp lực vô hình để buộc Ukraine thỏa hiệp về lãnh thổ với Nga.

Mới chỉ là lời hứa

Ông Podolyak tuần này đã viết trên Twitter kêu gọi cần những vũ khí hạng nặng để kết thúc chiến sự, nhưng với một số lượng “táo bạo” - gồm 1.000 lựu pháo 155 mm, 300 pháo phản lực, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép cùng 1.000 máy bay không người lái.

Mỹ và đồng minh châu Âu đã liên tục gửi vũ khí cho Ukraine. Dù vậy, giới chức Kyiv - trong khi bày tỏ sự biết ơn tới phương Tây - vẫn cho rằng số lượng hiện tại là không đủ, nói rằng chỉ mới nhận được 10% số vũ khí đã yêu cầu.

lanh dao chau au den Ukraine anh 2

Nhà máy sản xuất pháo phòng không Gepard tại Munich, Đức. Ảnh: New York Times.

Đức đã chuyển số vũ khí hạng nhẹ và khí tài quân sự trị giá 350 triệu euro cho Ukraine, và cam kết gửi thêm 7 lựu pháo cùng hàng chục pháo phòng không, pháo phản lực tầm xa cùng hệ thống phòng không IRIS-T mà ông Scholz cho là “hiện đại nhất” Đức đang sở hữu.

Dù vậy, đến nay vẫn chưa vũ khí hạng nặng nào của Berlin đến Ukraine. Theo các quan chức Đức, lựu pháo sẽ được chuyển đi trong vài tuần tới, xe tăng và pháo phản lực sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9, trong khi IRIS-T sẽ xuất hiện sớm nhất vào tháng 10.

Châu Âu dần mất kiên nhẫn?

Triển vọng lớn nhất trong cuộc gặp lần này là sự ủng hộ từ Đức, Pháp và Italy cho tư cách ứng viên EU của Ukraine.

Theo DW, chuyến đi của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể được xem là một thành công, khi đã làm rõ lập trường của Berlin. Trước đó, Tổng thống Zelensky nói "những gì chúng tôi cần từ Thủ tướng Scholz là sự đảm bảo rằng Đức ủng hộ Ukraine".

Viết trên Twitter, ông Scholz cho hay "Ukraine thuộc về gia đình châu Âu", đồng thời khẳng định Đức muốn có quyết định tích cực, có lợi cho tư cách ứng viên EU của Kyiv.

Dù vậy, nhiều người hoài nghi tuyên bố của lãnh đạo các nước EU ngày 16/6 phần nhiều mang tính biểu tượng hơn là hành động cụ thể. Thủ tướng Scholz hồi tháng 5 khẳng định "không có đường tắt" để gia nhập EU, và việc đặt ngoại lệ cho Ukraine có thể bị xem là đối xử bất công với các nước vùng Balkin cũng đang đợi xét duyệt.

Dù Kyiv có thể sớm được trao tư cách ứng viên, việc trở thành thành viên chính thức của EU là một quá trình xét duyệt kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.

Ngay cả lập trường trong việc trao tư cách ứng viên cho Kyiv cũng khá phức tạp. Các quan chức EU nói rằng các nước thành viên sẽ đưa cho Tổng thống Zelensky một quyết định tích cực nhưng thận trọng.

Trong nước, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với sức ép từ công chúng khi xung đột tại Ukraine đã khiến tình hình kinh tế thêm trầm trọng với tình trạng thiếu lương thực, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu tăng.

lanh dao chau au den Ukraine anh 3

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trực tuyến tại Quốc hội Cộng hòa Czech ngày 15/6. Ảnh: New York Times.

Một khảo sát của Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại 10 quốc gia được công bố ngày 15/6 cho thấy phần lớn người dân châu Âu muốn Ukraine lập tức làm hòa với Nga, ngay cả khi phải nhượng bộ lãnh thổ. Số ít khác cho rằng chỉ khi Nga thất bại về quân sự mới có thể hòa bình.

Trong số 10 quốc gia được khảo sát, có đến 9 nước - bao gồm Pháp, Đức và Italy - mà phần đông người dân muốn hòa bình lập tức. Chỉ có công chúng Ba Lan mới ưu tiên việc muốn Nga thất bại tại chiến sự.

Quan điểm của công chúng phần nào tác động đến lập trường của giới lãnh đạo về vấn đề Ukraine.

Ngoài ra, nhiều quan chức cấp cao và nhà ngoại giao từ EU, NATO và các quốc gia châu Âu khác cho cho biết ngày càng có những sự khó chịu trong các cuộc gặp với Ukraine, khi Tổng thống Zelensky từ chối tìm giải pháp ngoại giao để ngừng giao tranh và liên tục kêu gọi hỗ trợ.

Video cường kích Su-25 của Nga tấn công xe thiết giáp Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/6 đăng video một cặp cường kích Su-25 của không quân Nga tập kích tên lửa chuyên phá hủy xe thiết giáp của Ukraine.

'Chìa khóa' giúp Nga chiếm ưu thế tại Donbas

Tận dụng mạng lưới đường sắt, một công nghệ của thế kỷ XIX, tại Donbas đã góp phần giúp Nga nhanh chóng vận chuyển vũ khí và tạo ưu thế trong giao tranh tại miền Đông Ukraine.

Ukraine: Nga tấn công Luhansk từ 9 hướng

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhny hôm 15/6 cho biết Nga đang cố gắng đồng thời tấn công Luhansk trên 9 hướng, Reuters đưa tin.

Trần Hoàng

Theo New York Times, DW

Bạn có thể quan tâm